ĐỂ CÂY SỐNG KHỎE MẠNH, BẠN PHẢI CÓ CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC THƯỜNG XUYÊN. NHỮNG VIỆC TƯỞNG CHỪNG ĐƠN GIẢN NHẤT NHƯ TƯỚI TẮM, LAU LÁ CÂY KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT.
Tưới cây
Cây trồng trong nhà có nhiều loại, phải tùy loại mà tưới. Điều quan trọng là phải tưới thường xuyên, không được nhiều quá hay ít quá. Để biết chậu cây có cần tưới hay không, bạn dùng một con dao gõ vào thành chậu. Nếu nghe tiếng đục có nghĩa là chậu không bị khô và như vậy là chưa cần tưới. Nếu nghe tiếng thanh, bạn cần cung cấp nước cho cây.
Tuy nhiên, cũng có những loại cây cần tưới ít nước, vài ngày mới tưới một lần như loại cây bonsai. Nước tưới cây phải phù hợp với nhiệt độ trong nhà, không quá lạnh cũng không quá nóng.
Tắm cho cây
Hàng ngày, cây trồng trong nhà dù đã được tưới nước, song thỉnh thoảng cũng nên tắm cây bằng cách đặt chậu cây vào nước (mực nước lên đến miệng chậu). Chờ đến khi không còn thấy bọt không khí nổi lên thì nhấc chậu ra.
Lau lá cây
Cây trồng trong nhà thường bị vàng lá do trao đổi không khí của lá với bên ngoài không được tốt. Dù tưới cây hàng ngày, thỉnh thoảng bạn phải lấy miếng mút thấm nước lau từng lá cây và xịt nước lên lá cây.
Bón phân
Cây trồng trong nhà cũng cần bón phân (vài tuần một lần), bón lượng dinh dưỡng vừa phải. Thường bón loại phân chuồng hay bánh dầu, hoặc có thể dùng bã trà, nước vo gạo cũng rất tốt. Để không bị mùi hôi trong nhà, bạn dùng vỏ quýt cho vào dung dịch phân bón, sẽ hết mùi.
Diệt sâu
Cây trồng trong nhà đôi khi có nhiều sâu từ trong đất bò lên. Làm thế nào trừ sâu mà không hại đến cây? Hãy lấy hạt cải (làm mù tạt) nghiền ra ngâm nước rồi tưới vào đất.
Để cây lớn nhanh hơn
Ngoài việc trồng cây và bón phân, bạn có thể dùng vỏ trứng đập nhỏ chôn vào đất trồng cây, cây sẽ lớn nhanh hơn bình thường.
Chăm sóc khi vắng nhà
– Có thể đặt một bình thủy tinh lớn đựng đầy nước bên cạnh chậu hoa cảnh, sau đó tìm một miếng vải dài có sức hút nước mạnh, một đầu ngâm vào trong bình nước, một đầu chôn trong đất chậu hoa, như vậy, ít nhất nửa tháng vẫn giữ được độ ẩm cho đất.
– Trước khi đi xa, cắt hết lá vàng, hoa, cành yếu… tập trung các chậu cảnh trên nền nhà có độ nghiêng 20 độ, chú ý môi trường không nên thông gió quá nhiều, chỉ nên cho nó tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Căn cứ vào lượng chậu cây nhiều hay ít, lấy dây kẽm làm một cái khung vừa đủ bao trùm các chậu, sau đó tưới đủ nước cho tất cả chậu, lấy khung chụp lại.
>- Lấy một tấm ni lông trong suốt mỏng trùm lên khung kẽm, không trùm phía tiếp xúc mặt đất. Như vậy, tiểu khí hậu luôn ẩm ướt, giảm bốc hơi. Cách này cũng giúp cây phát triển bình thường trong nửa tháng.