Niềm đam mê hoa kiểng đã thôi thúc Nghệ nhân Nguyễn Phước Lộc (45 tuổi, ngụ TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) mở vườn du lịch giới thiệu đến du khách gần xa những loại cây kiểng độc, lạ của địa phương.

Lập công ty kinh doanh cây kiểng

Sinh ra và lớn lên tại làng hoa Sa Đéc, nghệ nhân Nguyễn Phước Lộc bắt đầu yêu thích hoa kiểng từ khi còn đi học. Năm 1992, ông trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên mới học đến năm thứ ba, ông phải về quê phụ giúp gia đình. Từ đó, ông vừa trồng kiểng vừa tranh thủ sưu tầm các giống cây độc, lạ để mở rộng hoạt động kinh doanh. Năm 2001, ông đứng ra thành lập Công ty TNHH Cây xanh Sa Đéc. Đây là công ty đầu tiên ở Sa Đéc hoạt động trên lĩnh vực sinh vật cảnh, chuyên tư vấn và thi công công trình cây xanh đô thị, khu du lịch – vui chơi giải trí, công viên; đồng thời nhận trang trí nội thất bằng cây xanh và hoa kiểng theo yêu cầu khách hàng.

Là một người năng động, sáng tạo, lại chịu khó tìm tòi, học hỏi từ những người đi trước nên tay nghề của ông ngày càng được nâng cao. Trong thời gian sinh hoạt ở Hội hoa lan cây cảnh (nay là Hội sinh vật cảnh), ông từng tham gia giảng dạy nhiều lớp về kỹ thuật bonsai và làm giám khảo các cuộc thi về cây kiểng. Hiện ông là Ủy viên thường vụ Hội sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp. Vườn kiểng của ông từ lâu trở thành nơi gặp gỡ của nhiều nghệ nhân, người yêu thích cây kiểng.



Phát triển vườn du lịch

Sau nhiều năm kinh doanh hoa kiểng, đầu năm 2017, nghệ nhân quyết định chuyển sang làm du lịch, mở Vườn du lịch hoa kiểng Sa Đéc rộng 2 ha tại ấp Khánh Nhơn (xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc). Đây là mơ ước và cũng là hoài bão lớn nhất của ông từ nhiều năm nay.

Vườn du lịch trưng bày hàng ngàn cây kiểng cổ có giá trị nghệ thuật cao và hơn 1.500 tác phẩm bonsai ấn tượng, gồm nhiều chủng loại như: vạn niên tùng, nguyệt quế, mai vàng, mai chiếu thủy, khế… Mỗi cây có dáng thế và giá trị nghệ thuật khác nhau, giá bình quân từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Đặc biệt, ông Lộc đang sở hữu cặp me cổ thụ được Trung tâm sách kỷ lục VN xác lập Cặp me kiểng cổ nhất vào năm 2013. Cặp me này có người trả đến 6 tỉ đồng nhưng ông chưa bán vì theo ông, phải 10 tỉ đồng mới đúng giá.
Ngoài cây kiểng, ông Lộc còn trồng thêm hoa hồng đủ loại. Ông cho biết: “Sa Đéc từng nổi tiếng với vườn hồng Tư Tôn, nhưng từ khi chủ vườn qua đời, nhiều giống hồng đã bị mai một. Nay tôi quyết tâm gầy dựng lại vườn hồng Sa Đéc nhằm bảo tồn và nhân rộng những giống hồng quý hiếm, phục vụ khách tham quan du lịch”. Hiện ông đã sưu tập và nhân được 150 giống hồng; trong đó có 50 giống bản địa gồm hồng nhung, hồng lửa, hồng bi, hồng phấn… Còn lại các giống ngoại là hồng leo và hồng bụi có nguồn gốc từ Pháp, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan.


Theo nghệ nhân Nguyễn Phước Lộc, Vườn du lịch Sa Đéc có thể đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng… của du khách. Điểm nhấn của vườn du lịch là khu trưng bày, giới thiệu những loài hoa và cây cảnh đặc sắc của khu vực ĐBSCL. Đây còn là nơi nghiên cứu và bảo tồn sinh vật cảnh địa phương. Các nghệ nhân chia sẻ cách chăm sóc, uốn sửa, tạo dáng cây kiểng, đặc biệt là nghệ thuật trồng kiểng cổ và kiểng bonsai.

Theo Báo Thanh Niên
Nguồn link: https://thanhnien.vn/thanh-cong-nho-niem-dam-me-hoa-kieng-post722808.html