Mai vàng là loại hoa kiểng đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam. Với tên gọi cùng màu vàng rực rỡ đã cho chúng một vị trí quan trọng trên thị trường hoa kiểng. Hàng năm, nghề sản xuất hoa kiểng nói chung và mai vàng nói riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân. Tuy nhiên, mai vàng thường bị một số loài sâu bệnh hại phổ biến như : nhện đỏ, bệnh cháy lá và đốm đồng tiền.

* Nhện đỏ :

Nhện trưởng thành và nhện non đều ăn biểu bì và chích hút dịch của lá từ khi lá non, tạo ra những chấm trắng vàng có thể dễ nhận ra ở mặt trên của lá; còn ở mặt dưới của lá có những vết trắng lấm tấm giống bụi cám, nhìn kỹ thấy trên đó có lớp tơ rất mỏng. Khi bị hại nặng lá mai bị cằn lại, vàng, thô cứng và sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây mai.

Nhện đỏ rất nhỏ như đầu kim, hình bầu dục ( dài khoảng 0,3 – 0,4mm). Khi mới nở nhện có màu vàng nhạt, khi lớn chúng chuyển dần sang màu hồng và đỏ đậm. Nhện trưởng thành nhả tơ giăng thành một lớp sợi rất mỏng ở mặt dưới lá, đẻ trứng từng quả gắn vào lớp tơ. Nhện sinh sản rất nhiều,  chúng tích luỹ mật số khá nhanh. Nhện phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và khô. Khi cần thiết có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Danitol 10EC; Comite 73EC;  Ortus 5SC; Cascade 5EC; Nissorun 5EC;  …Nhện sống tập trung mặt dưới lá nên khi phun cần phun kỹ mặt dưới mới đạt hiệu quả. Những vùng thường xuyên bị nhện gây hại nên theo dõi phun khi mai ra đọt non. Chú ý phải sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng và luân phiên các loại thuốc để tránh nhện đỏ kháng thuốc.

* Bệnh cháy lá mai :

Bệnh cháy lá do nấm Pestalotia funerea gây ra. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở chóp lá và mép lá tạo thành vệt màu nâu. Về sau vết bệnh lan dần vào trong phiến lá, tạo thành những mãng lớn, màu nâu xám, có ranh giới rõ rệt với phần xanh còn lại của lá. Bệnh nặng có khi cháy hơn nữa lá. Lá bị bệnh chuyển màu vàng và rụng sớm. Bệnh thường phát sinh trên các lá già.

Bệnh thường phát sinh vào cuối mùa thu, khi cây mai có nhiều lá già, sinh trưởng chậm, đất thiếu dinh dưỡng, nhất là mai trồng trong chậu ít được bón phân. Trên cây mai kiểng rất thường bị cháy lá do nông dân ngại bón phân cây sẽ mau lớn ( mục đích muốn cây khằn lại mới đẹp). Khi phát hiện bệnh nên chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối NPK; ngắt bỏ và thu dọn các lá bệnh rụng dưới gốc, phun các loại thuốc gốc đồng như COC 85, Norshield 86.2 WG , Funguran, hoặc Map Super 300EC…

* Bệnh đốm đồng tiền:

Trên thân và cành mai già có các đốm loang lổ màu xám trắng hay xám xanh. Vết bệnh tạo thành những mãng như da beo. Thân cây xù xì. Nếu nặng nhiều vết bệnh sẽ liên kết lại thành mảng lớn có hình dạng bất định, có thể nhiều lớp chồng chất lên nhau làm cho lớp vỏ của cây dày lên, có độ xốp giống như một lớp nhung bao quanh gốc cây mai.

Đây là dạng cộng sinh giữa rêu và nấm ( địa y). Địa y thường phát triển trên các cây lâu năm, cây có tán lá rậm rạp, ít ánh nắng , ẩm độ cao. Địa y sống bên ngoài của vỏ cây nên tác hại không lớn nhưng nếu phát triển nhiều sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và làm mất vẻ mỹ quan. Để phòng trừ đốm đồng tiền nên thường xuyên tỉa bỏ các cành nhánh rườm ra, tạo thông thoáng cho cây. Hàng năm sử dụng các thuốc gốc đồng phun ngừa hoặc quét vôi trên thân. Đối với những gốc mai đã bị bệnh: dùng thuốc Norshield 86.2 WG (3 g/lít nước), quét ướt đều thân, cành bị bệnh, làm liên tục 2- 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 7-10 ngày./.