Thiên tuế dễ bị chết bởi một số loại sâu bệnh, trong đó có bệnh thối ngọn, và nhất là rệp sáp vẩy(Chrysomphalus ficus) thuộc họ Diaspididae. Qua quan sát thực tế chúng tôi thấy thời gian gần đây loại rệp này đã phát sinh và gây hại tương đối phổ biến trên cây thiên tuế so với trước đây.

Trên lá cây ban đầu chỉ là một vài con nhìn giống như những cái vẩy màu trắng nhỏ xíu cở một, hai ly bám chặt vào gốc của cuống lá, chẳng mấy ai để ý, nhưng do tốc độ sinh sản của chúng tương đối nhanh nên khi gặp điều kiện thuận lợi, chỉ cần người chơi sơ ý không thăm nom quan sát cây một thời gian thì chúng đã sinh sôi nẩy nở, bám trắng cả mặt dưới của phiến lá và xung quanh gốc của cuống kép, thậm chí trên cả bề mặt của ngọn cây. Loại rệp nầy nằm bất động một chỗ, chích hút nhựa cũa cây làm cho lá cây vàng dần. Nếu mật số cao  có thể làm lá trở nên vàng úa nặng và chết khô. Qua tiếp xúc chúng tôi được biết đã có những người mới chơi loại cây kiểng này, do chưa có kinh nghiệm, cứ tưởng đây là một loại nấm bệnh màu trắng gây hại nên đã mua nhiều loại thuốc trừ nấm về phun xịt nhưng chẳng thấy có kết quả, và cuối cùng vẫn” tiền mất tật mang”.

Để hạn chế tác hại của rệp có thể tiến hành áp dụng một số biện pháp chính sau đây:

– Khi mua cây giống, hoặc khi tách chiếc cây giống ytừ cây mẹ trong vườn ra trồng cần kiểm tra kỹ, nếu phát hiện thấy có rệp thì phải diệt trừ chúng triệt để bằng cách dùng bàn chải hoặc cây cọ sơn(loại có lông cứng)cọ rửa thật kỹ những chổ có rệp bu bám để rửa trôi hết rệp trước khi đem cây giống đi trồng.

– Trong quá trình tưới tắm, chăm sóc cây nếu phát hiện có con rệp nào thì dùng tay tuốt bỏ rồi giết ngay để hạn chế rệp sinh sôi, tạo mật số cao.

– Nếu cây đã bị rệp gây hại nặng nên mạnh dạng cắt bỏ những lá có mật số rệp cao, đem tiêu hủy, số còn lại tùy theo mật số nhiều hay ít mà có thể bắt diệt bằng tay, cọ rửa bằng bàn chải, cọ sơn hay dùng thuốc để phun xịt.

– Nếu số cây bị rệp hại không nhiều nên dùng bàn chải hoặc cọ sơn cọ rửa sạch rệp trên lá, trên cây, sau đó dùng vòi nước xịt rửa kỹ xung quanh gốc để rửa trôi rệp ra khỏi vùng gốc, rễ của cây.

– Có thể sử dụng một loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm nội hấp, xông hơi hoặc thấm sâu như Monster 40 EC/75 WP;Bian 40EC;Lebaycid 50EC;Selecron 500EC;Mospilan 3EC;Oncol 20EC…hoặc DC-tron Plus 98, 8EC để phun xịt. Theo kinh nghiệm của một số nhà vườn ở Cái Mơn thì sau khi xịt thuốc khoảng một, hai ngày nên dùng vòi bơm nước có áp suất mạnh xịt thuốc, nếu có thể được, nên dùng bao hoặc vải nilon bao trùm kín cây một, hai ngày để thuốc có thời gian xông hơi tiếp tục diệt những con rệp còn nằm ẩn lấp trong các khe kẽ của cây, do những loại thuốc đã nêu ít có khả năng diệt được trứng của rệp, nên sau khi xịt những trứng còn lại tiếp tục nở ra rệp non, vì thế sau khi xịt khoảng 3-5 ngày nên xịt tiếp một đợt thuốc thứ 2 để tiếp tục tiêu diệt những rệp non mới nở. Khi xịt nên ưu tiên tập trung xịt thật đậm vào những vị trí có nhiều rệp bu bám.