Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với lan. Khi lan đầy đủ dinh dưỡng cây tươi tốt, ra nhiều hoa, hoa to đẹp, bền trong khi thiếu dinh dưỡng lan còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa.

Lan cần 13 chất dinh dưỡng khoáng, thuộc các nhóm đa, trung và vi lượng: Dinh dưỡng đa lượng gồm Đạm (N), Lân (P) và Kali (K). Dinh dưỡng trung lượng gồm Lưu huỳnh (S), Magiê (Mg) và Canxi (Ca). Dinh dưỡng vi lượng gồm Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Bo (B), Molypđen (Mo) và Clo (Cl).

Thiếu đạm, cây còi cọc, ít ra lá, ra chồi mới, lá dần chuyển vàng theo qui luật lá già trước, lá non sau, rễ mọc ra nhiều nhưng cằn cỗi, cây khó ra hoa.

Thừa đạm, thân lá xanh mướt nhưng mềm yếu, dễ đổ ngã và sâu bệnh, đầu rễ chuyển xám đen, cây khó ra hoa.

Lan Hồ điệp thuộc nhóm các loài hoa lan có tên khoa học Phalaenopsis, là loài đơn thân, không có giả hành nên không dự trữ nước, không có khả năng dự trữ chất dinh dưỡng, nên mỗi ngày cần phải tưới cho lan 2 – 3 lần tùy vào mùa mưa hay nắng. Phân bón cần được bón cho lan trong suốt năm. Phân phải được bón định kỳ và đều đặn thường 1 tuần/ 1lần với phân bón tổng hợp có công thức 30 – 10 – 10, 10 – 20 – 30… Trong trường hợp xác định chắc chắn lan thừa đạm như anh nói. Theo chúng tôi, anh nên ngưng bón đạm và tiếp tục bón phân cho lan với công thức phân 0 – 24 – 24 một thời gian để giúp cho cây hoa lan phát triển cân đối hơn, sau khi thấy hiện tượng thừa đạm chấm dứt thì bón phân tổng hợp theo dạng cân đối như 10 – 20 – 20, 10 – 20 – 30.