Bấm ngọn: Căn cứ vào mục đích sản xuất, đặc điểm sinh học của từng giống hoa và thời vụ để quyết định thời điểm trồng hoặc bấm ngọn. Trong vụ đông xuân, nếu đã trồng trước thời vụ hoa nở vào dịp Tết cần bấm ngọn hoặc đốn cây theo lịch thời vụ để lấy mầm mới cho hoa nở vào dịp tết. Sau đó điều chỉnh số lượng mầm để đảm bảo mật độ yêu cầu, cân đối lượng phân bón và chăm sóc như cây trồng mới.

Tỉa cành, bấm nụ: Sau khi bấm ngọn và định vị cành chính trên cây cần bấm, tỉa bỏ hết các cành còn lại để khỏi ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây; tập trung chất dinh dưỡng để cây nuôi cành chính và cũng để tạo tán cho cây.
Trong vụ đông xuân, cần tỉa bỏ những nhánh không cần thiết từ 7-9 lần. Trên mỗi cành hoa cũng phát sinh rất nhiều nụ, cần tỉa bớt các nụ xung quanh nụ chính.
Tưới nước: Cây cúc có thể chịu hạn nhưng không chịu úng nên cần trồng ở những chân đất cao, thoát nước. Tưới đảm bảo đủ ẩm, không tưới quá nhiều nước.

Vun xới, cắm cọc giàn: Thời gian sau trồng cần kết hợp vun xới với bón thúc lần 1. Khi cây phân cành mạnh, bộ rễ phát triển ăn ngang có nhiều rễ phụ, cần hạn chế xới xáo để tránh ảnh hưởng tới sự sinh sản của cây. Từ thời gian này chỉ nên nhổ cỏ, vun, tỉa các lá già xung quanh gốc. Vun gốc cao sẽ làm phát nhiều sinh mắt rễ, mầm già, làm  ảnh hưởng tới cây.
Khi quần thể cây hoa cao 35-40cm, ta có thể cắm cọc, làm giàn đỡ cho cây. Các luống cần có khung giàn, chia ô và căng dây chắn phòng chống gió đông bắc; đồng thời đảm bảo cây hoa mọc thẳng, đều, đẹp.

* Vệ sinh luống: Hoa cúc thường dễ bị nấm, do vậy trong khung luống cần vệ sinh thường xuyên, loại bỏ lá thối, úa vàng; không tưới nước bẩn, đảm bảo sự thông thoáng trong khung luống.

Các biện pháp điều chỉnh hoa cúc nở: Nguyên tắc chung để điều chỉnh hoa cúc nở là dùng phương pháp tính ngược thời gian và thời điểm sinh trưởng của hoa tương ứng.

1. Xác định thời điểm trồng: Thời gian sinh trưởng của hoa cúc phụ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết và điều kiện ngoại cảnh. Tuỳ theo đặc điểm loại giống, chân đất, cường độ ánh sáng và dự báo diễn biến thời tiết để lựa chọn cây giống và xê dịch thời điểm trồng. Trong vụ đông xuân, trồng cúc trên đất cát pha thì thời gian sinh trưởng ngắn hơn trên đất thịt, sét nhẹ từ 10 đến 20 ngày.
2. Chọn cây giống: Đảm bảo khoẻ mạnh, đồng đều, đủ tiêu chuẩn chất lượng và trồng đúng kỹ thuật để rút ngắn thời gian phục hồi sinh trưởng. Quần thể cây giống tốt là điều kiện thuận lợi cho quá trình chăm sóc và điều chỉnh hoa nở.

3. Bón phân và chăm sóc: Căn cứ vào đặc điểm sinh học của cây hoa cúc, tính chất đất đai, khí hậu và diễn biến thời tiết với từng giai đoạn sinh trưởng để bón phân và chăm sóc cho phù hợp. Chú trọng việc bấm tỉa điều chỉnh số lượng mầm nhánh, thân cành, nụ hoa… để điều chỉnh thời gian nở hoa.

Bón phân cho hoa cúc cần đầy đủ và cân đối. Nếu bón thiếu cây sẽ bị còi cọc và hoa nở, dễ bị sâu bệnh phá hoại. Nếu bón thừa phân thân cây sẽ vống cao, lá nhiều, dễ bị đổ, khả năng chống chịu kém. Các loại phân chính cần cho hoa cúc gồm: phân chuồng, phân bắc, phân đạm, lân, kali, phân vi sinh, phân vi lượng…

ở giai đoạn phân hoá mầm hoa và vườn hoa, nếu bón tăng lượng đạm sẽ làm thời gian nở hoa chậm lại. Chú ý, những cây sinh trưởng phát triển kém  có thể bón thúc nhiều hơn để quần thể hoa đồng đều.

4. Dùng nguồn nước: Nếu quần thể cây sinh trưởng mạnh, chậm phân hoá mầm hoa và vươn hoa, dự tính sẽ nở muộn so với Tết thì phải hãm khô, ngừng cung cấp nước đột ngột. Nếu khi thực hiện gặp trời mưa thì có thể xới xáo nhẹ, làm đứt 10-15% bộ rễ để cây chuyển hẳn sang giai đoạn thực ra hoa.

Nếu quần thể cây sinh trưởng kém, có thể biểu hiện ra hoa sớm, cần bón tăng lượng đạm, tưới phân hữu cơ và đảm bảo đầy đủ nhu cầu nước của cây để làm chậm  quá trình nở hoa.

Vào những năm có nhiệt độ bình quân tháng 12 âm lịch cao, có nắng ấm kèm theo làm tốc độ nở hoa nhanh, có thể che phủ và tưới phun ướt lá hoa trong thời gian nắng để hạn chế tốc độ nở hoa.

Để hoa cúc cứng, đẹp, tươi lâu thì từ 23/12 âm lịch trở đi ngừng tưới nước cho hoa.

5. Dùng phân bón qua lá và chất kích thích sinh trưởng: Khi sử dụng cần chú ý đến thời điểm phát triển của cây hoa, mục đích cần đạt được để điều chỉnh liều lượng, nồng độ cho phù hợp. Riêng đối với loại thuốc GA3 thường dùng đẩy nhanh tốc độ vươn ngọn, cần chú ý không dùng muộn, liều lượng cao.

6. Dùng ánh sáng: Khi thời gian chiếu sáng trong ngày dài trên 13 giờ thì cây ở giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng. Thời gian chiếu sáng ngắn, từ 10 đến 11 giờ và nhiệt độ không khí khoảng 12 độ C thì cây chuyển hẳn sang quá trình sinh trưởng sinh thực và phân hoá mầm hoa. Do vậy, khi quần thể ruộng hoa có biểu hiện sinh trưởng chậm, ngọn hơi rụt lại, lá nhỏ và xếp mau, cây phân hoá mầm hoa trước 5/11 âm lịch, dự tính cây sẽ nở hoa trước Tết thì chiều tối có thể dùng đèn điện để tăng thời gian chiếu sáng cho ruộng hoa trên 13 giờ/ngày để làm chậm quá trình phân hoá mầm hoa.

7. Ngoài ra, còn có thể dùng thêm một số biện pháp khác như tác động cơ giới lên rễ, thân, lá; làm thông thoáng bên trong mặt luống, điều chỉnh phân bố định vị thân rễ trên mặt luống…