Đặc điểm sinh thái:

Bồ đề là loài cây tiên phong, đòi hỏi nhiều ánh sáng, chịu rét tương đối khoẻ nhưng không chịu được nhiệt độ cao và khô hạn. Cây phát triển mạnh trên đất sâu ẩm, tơi xốp, đất trồng lúa nương sau 1-2 vụ. Ở vùng cao thích hợp với loại bồ đề nhiều nhựa. Ở vùng thấp nên trồng bồ đề ít nhựa để lấy gỗ.

Giá trị kinh tế:

Gỗ bồ đề mềm, nhẹ, thớ mịn và đều, ít cong vênh, dễ xẻ, dễ chẻ nhỏ bóc thành tấm mỏng rất thuận tiện trong công nghiệp giấy, làm diêm, tăm… Nhựa bồ đề (cánh kiến trắng) thơm dùng trong công nghệ thực phẩm nước hoa và trong y học…

Kỹ thuật gây trồng:

Chủ yếu và phổ biến là gieo hạt thẳng. Thời vụ trồng thích hợp từ tháng 10 đến tháng 12.

Xử lý hạt: Ngâm hạt vào nước lã lấy hạt chìm ngâm trong nước 2 sôi 3 lạnh từ 3-6 tiếng rồi ủ 1-2 ngày sau đó đem gieo.

Mật độ trồng 2500 cây/ha (cây Xcây = 2m; Hàng X hàng = 2m). Cuốc hố 40X40X40 cm, lấp đất nhỏ và gieo hạt ngay, mỗi hố 4-5 hạt dùng đất tơi nhỏ lấp kín hạt dày 2cm.

Chăm sóc:

Năm thứ 1:

Lần 1: Xới nhẹ xung quanh gốc

Lần 2: Phát cỏ dại, cuốc quanh hố sâu 10-15cm, đường kính 180cm, tỉa chỉ để lại 1 cây tốt trong hố.

Lần 3: Phát cỏ dại, dây leo chèn ép, vun gốc.

Năm thứ 2: Phát chăm sóc, tỉa thưa, chỉ để lại 1600 -1700 cây/ha.

Năm thứ 3: Tỉa còn 1200-1300 cây/ha.

Năm thứ 4: Tỉa còn 900-1000 cây/ha.

Bảo vệ rừng trồng tránh sự phá hoại của trâu bò. Thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để có biện pháp diệt trừ, tránh để lan rộng gây ảnh hưởng đến rừng trồng.