Xưa nay, bất cứ nghệ nhân nào trồng mai kiểng cũng đều tìm mọi cách để mong sao sáng tao được những cây mai đẹp để… làm đẹp cho đời. Còn với người mua mai về chưng thì chắc chắn theo tâm lý chung, ai cũng muốn tránh cho được sự lầm lẫn trong lựa chọn để có cây mai đẹp mà thưởng ngoạn.
Do cây mai có khả năng sống hơn trăm năm, tuổi “thọ” của cây còn dài hơn cả một đời người, vì vậy đời trước ông bà trồng, nếu được chăm bón tốt, cây mai đó có thể lưu lại cho con cháu đời sau. Điều này xưa nay không phải là chuyện hiếm thấy. Chính vì lẽ đó nên trồng mai kiểng, bất cứ ai cũng mong muốn chọn cho được những cây thật đẹp mới ưng bụng.
Muốn chọn được cây mai đẹp, quí vị nên thuộc nằm lòng câu:

NHẤT THÂN – NHÌ ĐẾ – TAM TÀN – TỨ THẾ

Lời khuyên nhủ của câu này là: muốn đánh giá sự tốt, xấu của một cây mai kiểng, ta nên tuần tự đánh giá các phần sau đây của cây theo thứ tự trước sau, như sau:
• Việc đầu tiên được đánh giá là quan trọng nhất cần xét đến là phần thân cây.
• Kế đó ta mới chú ý đến phần đế, tức là phần gốc cây mai và bộ rễ mọc nổi trên mặt đất chậu trồng.
• Chi tiết thứ ba, kém quan trọng hơn cần xét đến là phần tán lá.
• Cuối cùng xét đến các thế của cây kiểng. Thông thường đối với nhiều người thì thế cây được xem là phần dễ bắt mắt người xem nhất, nhưng được khuyên là nên chú trọng sau cùng. Có lẽ nhiều người tự hỏi:
• Tại sao phần thân cây lại cần ưu tiên xét đến? Điều này dễ hiểu, vì thân của cây mai kiểng- xin được phép so sánh đâu có khác chi vóc dáng của cô thiếu nữ xuân thì? Thân cây có suôn sẽ thanh mảnh tạo được đường nét uyển chuyển mới được đánh giá là đẹp. Ngược lại cây mai kiểng mà thân vặn vẹo, đoạn to đoạn nhỏ thì…đẹp nỗi gì! Hơn nữa, phần thân khi đã đến tuổi trưởng thành, độ dẽo dai không còn nữa thì không tài nào uốn sửa lại được. Cho nên nếu trước đây người trồng uốn sửa không khéo thì sau này thân có xấu cũng đành để vậy mà thôi.
Vì vậy, khi chọn phần thân của cây mai tơ thì đòi hỏi thân cây phải tròn trịa, cứng cáp, vỏ trơn láng. Thân cây phải ngay thẳng, không vặn vẹo và thân phải nhỏ hơn phần gốc và lớn hơn các cành. Với thân cây mai già, thân cây cần có độ cong, như vậy mới dễ dàng tạo cho người thưởng ngoạn hình dung ra dáng vẻ của một người già lão với cái lưng còng. Vỏ cây cần nứt nẻ sần sùi, lại có nhiều hốc lõm giống như làn da nhăn nheo của người già và những thương tật (sẹo) trên mình họ, do sự đào thải khắc nghiệt của thời gian. Cũng cần được trình bài thêm: Do phân thân cây nằm đúng vào tầm nhìn của người thưởng ngoạn, vì vậy nếu thân bị khiếm khuyết thì giá trị của cây mai kiểng đó bị giảm sút…
• Tại sao phần đế tức phần gốc cây và các rễ mọc lộ thiên trên mặt chậu được đánh giá là quan trọng?
Điều này cũng dễ hiểu, vì thông thường hễ nói đến cây thì ai cũng nghĩ đến phần cội (gốc cây), và xem phần gốc mới là phần quan trọng nhất. “ Cây có cội, nước có nguồn”. Thực tế cho thấy, cội có chắc khỏe thì mới giúp thân đứng vững được trước mọi phong ba bão táp của cuộc đời. Phần gốc cây được đánh giá là đẹp khi đoạn gốc phải phình to hơn phần thân bên trên, hoặc tệ hơn là bị eo thắt hơn thì sẽ mất vẽ thẫm mỹ, do trái với qui luật tự nhiên.
Và điều tệ hại này vẫn có thể xày ra khi người làm quá lạm dụng đến việc bón nhiều phân hóa học và nhất là bón phân không đúng quí cách nên từ đó lượng phân được bón vào chỉ tập trung nuôi thân cây làm cho phần thân nở nang ra, trong khi phần gốc phát triển chậm lại.
Như vậy, dù mai tơ hay mai già, phần gốc phải có độ lớn hơn phần thân mới hợp với tự nhiên. Ở gốc mai già cần tạo những vết nứt nẻ như những thương tật của lớp vỏ bên ngoài càng làm tăng thêm phần giá trị, tạo được ấn tượng mạnh ở người xem.
Nơi phần gốc tiếp giáp với Amặt chậu (đoạn cổ rễ); đừng nói chi mai già mà ngay cả mai kiểng vào tuổi trưởng thành mà có sự xuất hiện của năm ba đoạn rễ khí sinh bò ngoằn ngoèo trên mặt đất vừa làm tăng thêm sự già lão của cây, vừa gây được sự thích thú cho người xem. Chắc chắn ai cũng nghĩ rằng chính nhờ vào phần rễ nỗi này mới giúp cây kiểng đứng vững được.
Những rễ khí sinh này không cần lộ ra nhiều, vì càng chằng chịt càng làm rối mắt người xem. Đó là điều cần tránh trong nghệ thuật uốn sửa cây kiểng.
Chỉ cần có sự hiện diện của bốn cái rễ nổi mọc dàn trãi ra nhiều phía với hình thù uốn lượn tự nhiên mới đẹp.
Nuôi dưỡng cho phần gốc cây nở nang không khó lắm, nhưng, muốn tạo cho bộ rể khí sinh bò ngoằn ngòe trên mặt đất chậu đòi hỏi kỉ thuật “đôn gốc” hằng năm của người trồng. Thường thì sau tết một vài tuần, tranh thủ những lần thay đất mới vào chậu kiểng, nghệ nhân đôn rễ lên cao một chút… phải chờ đợi ba bốn năm sau họ mới tạo được bộ rễ nỗi xinh đẹp như ý muốn.
• Tại sao tán lá được coi là phần thứ yếu để xét đến?
Lẽ dễ hiểu là tuy tán lá đóng vai trò làm đẹp cho cây, giống như suối tóc mây óng ả xỏa trên bờ vai các cô gái, nhưng phần “trang trí”: này lại dễ uốn sửa cho nên dù có bị khiếm khuyết cũng không là chuyện đáng lo. Việc uốn cành tạo tán cho cây mai và các loại kiểng khác không là việc quá khó khăn đối với các nghệ nhân hoa kiểng. và việc này cũng không đòi hỏi tốn kém nhiều thời gian và công sức. Khi cành nhánh còn tơ do mềm dẻo nên rất dễ uốn. Và chỉ cần từ sáu tháng đến một năm là chúng đã ngoan ngoãn chịp ép một bề để vào khuôn khổ…
Một cây mai kiểng có bộ tán đẹp là nhờ vào những cành nhánh trên thân được phân bố hợp lý và linh động, hài hòa. Tán hay tàn nguyên nghĩa là cái tàn, cái lọng phủ chụp lên trên ngọn cây làm tăng vẽ đẹp của cây mai kiểng thêm lên.
Cành phải mọc vươn dài, ngay thẳng, không gảy gập và cũng không được cong queo.
Cành mọc phía dưới cùng gần gốc (phủ địa) theo tự nhiên, bao giờ cũng là cành lớn nhất và dài nhất so với các cành nhánh mọc bên trên. Các cành mọc phía trên dẩn lên tận ngọn thì càng ngắn dần và nhỏ dần. Nhờ đó tán lá mới có hình chóp nón, dạng cây thông, khiến tán lá trông nhẹ nhàng và thanh tú.
Một cây mai kiểng đẹp, cành phía dưới cùng không được nằm quá gần mặt thành chậu, vì như vậy sẽ che khuất phần gốc (phải chừa ít nhất là 10cm với chậu mai cao 1 mét, và 15cm với cây mai từ 1,60cm trở lên).
Nhưng cành phủ địa này cũng không được “đóng” quá cao (20cm) như vậy sẽ tạo sự…trống chân, chẳn khác nào người mặt quần dài mà ống quần ngắn củn cởn vậy, trông khó coi.
Tùy theo cây mai lớn hay nhỏ cao thấp ra sao mà tạo tán cho phù hợp. Tán lá phải có tỉ lệ cân đối với chiều cao và chiều rộng của cây: cây thấp mà tán rộng hoặc cây cao mà tán hẹp đều làm giảm giá trị thẩm mỹ.
Muốn thiết kế tán đẹp cho cây mai kiểng nhiều khi phải vận dụng đến kỹ thuật tạo hình để uốn sửa cấu trúc của cây vào đúng với vị trí thích hợp thì mới tạo được tỷ lệ cân đối…
Nói tóm lại, việc uốn cành tạo tán là việc dễ làm.
• Tại sao “thế” cây là phần được coi là dễ bắt mắt nhất lại được xếp vào hàng thứ yếu để định giá trị cây mai kiểng?
Đúng là dáng thế của cây mai kiểng thường được coi là phần hấp dẩn, có nhiều ma lực thu hút sự say mê nhìn ngắm của mọi người. Nói cách khác, cây mai nếu chưa được bàn tay nghệ nhân uốn sửa thành “cây thế” thì chưa thể gọi đó là cây kiểng được. Xấu đẹp ra rao chưa bàn đến.
Và, khi cây đã thành kiểng thế thì giá trị của nó sẽ được nâng lên mức cao hơn nhiều lần, nếu đó quả là cây có dáng thế đẹp.
Thế nhưng, sơ dĩ phần này được sắp vào hàng cuối cùng để chọn lựa, vì việc tạo thế hay uốn sửa thế cho cây kiểng nói chung vốn là việc không quá khó khăn. Thậm chí nếu cần sửa đổi thành thế khác cho cây thay vào kiểu dáng sẵn có, với nghệ nhân có tay nghê cao, nhờ vào kỹ thuật uốn sửa, tháp ghép họ vẫn dễ dàng thực hiện được.
Mặc dầu vẫn biết, cây mai có thân hình dẻo dai nhưng so với nhiều giống kiểng khác như mai chiếu thủy, Kim quít, Cần thăng…thì cây mai khó uốn nên một số thế. Như thế thác đổ chẳng hạn. Tuy vậy, đối với nghệ nhân tay nghề cao, họ vẫn kiên nhẫn thực hiện được điều này.
Điều cần đề cập ở đây là dựa vào cách tạo dáng thế cho cây kiểng, nghệ nhân ta đã ngầm kí thác tâm sự, ý chí cùng mọi ước vọng riêng tư của mình một cách khéo léo. Vì vậy, khi ngắm nhìn một cây kiểng thế, người thưởng ngoạn nếu tinh ý một chút có thể dễ dàng biết những gì thầm kín mà người trồng kiểng đã kín đáo gởi gắm vào, chẳng khác nào mỗi cây kiểng tụ nó đã có một chủ đề riêng biệt. Từ đó, người mua dể dàng chọn lựa được cho mình một cây kiểng có chủ đề phù hợp với ý muốn của mình:
• Với người có ý chí tự lập, thân tự lập thân không muốn phiền lụy cậy nhờ ai để sống thì lựa cây mai kiểng có thế “trực quân tử” (cây mọc thẳng đứng, các cành ở vị trí nằm ngang, như người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, không chịu khuất phục trước một thế lực nào…) hay thế “tùng lập” (cây thân thẳng, cành nằm ngang, ngụ ý đề cao tính tự lập, sự gan dạ của người thanh niên mới lớn với sức lực dũng mãnh…), hoặc chọn thế “Hạc lập” (thân cây tuy mảnh khảnh, cành ẻo lả nhưng phần ngọn vương cao, ám chỉ người biết sống tự lập, dù nghèo cũng không chịu hạ mình để luồn lụy ai…)
• Với người trọng điều nhân nghĩa, sống có đạo đức, tôn trọng lễ nghi.. thì lựa cây mai kiểng có thế “Tam cương” (là ba giềng mối Vua tôi, Cha con, Vợ chồng, trên cây chọn ra ba cành cứng cáp gồm đủ cành văn, cành võ, cuối cành uốn thành tay mới khéo), hay thế “Ngũ thường” (đề cao năm đức tính tốt của con người là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Trên cây mai chỉ chọn lại năm cành với khoảng cách đều đặn, tạo tán cho cây đối, mỗi cành như vậy tượng trưng cho một đưc tính của con người)…

Sưu tầm