Khoảng mười năm trở lại đây, cây Lộc vừng (có nơi còn gọi là cây mưng) đã lên ngôi và có vị trí sánh vai trong bộ tam “Sanh-Đa-Lộc” là biểu tượng cho ước mơ hoài bão hạnh phúc của đời người mà các nghệ nhân đã dày công sưu tầm, tôn tạo và gởi gắm tâm hồn vào tác phẩm.

Hiện nay, từ sân chơi sinh vật cảnh của nhiều nghệ nhân, nhà sưu tầm, nhà vườn…cây Lộc vừng đã có mặt tại khuôn viên của một số cơ quan, xí nghiệp, khách sạn…làm đẹp thêm cho nơi ấy. Trong số đó, có rất nhiều cây được tôn tạo thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo với những dáng, thế khác nhau rất sinh động.

Thông thường lộc vừng mỗi năm ra hoa 2 vụ, vào các tháng 6 – 7 và 10 – 11 âm lịch. Lộc vừng ưa nước nên dễ chăm sóc, có thể bắt lộc vừng nở hoa theo ý muốn vào dịp Tết. Ngoài việc chăm bón đủ chất để ra nhiều hoa, ta phải tạo ra một bước đột biến về sinh lý cho cây. Nghĩa là phải làm cho lộc vừng trút bỏ toàn bộ lá già trong thời gian ngắn nhất, với bí quyết: tưới cho cây lượng phân kali hoặc natri hơi đậm. Sau 4 ngày toàn bộ lá xanh trên cây chuyển thành lá vàng và sau 3 ngày tiếp theo lá rụng hết.

Sau khi cây rụng hết lá, hàng ngày ta tiếp tục tưới nước vo gạo để bồi dưỡng và kích thích cây phát triển lá mới. Khoảng một tháng mầm lá và mầm hoa sẽ đâm ra, khi hoa tàn, ta lại tiếp tục làm theo trình tự trên, thì lộc vừng lại tiếp tục nở hoa.