Với cấu trúc như rừng Amazon, “Chậu trồng cây thuần khiết thiên nhiên” của Nguyễn Quang Ngọc giúp người làm vườn không cần tưới nước hằng ngày. Phát minh này vừa được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO – kiểm chứng, xác nhận.
Điều đặc biệt là sản phẩm trên thuộc về anh nông dân gần 40 tuổi, chưa từng qua trường lớp chuyên môn.
Bức xúc trước sự nhọc công của người làm vườn cây xanh, sớm khuya chăm cây mà hiệu quả nhiều khi tùy vào thời tiết, mỗi chậu cảnh thường phải đi kèm bình tưới, đất chuyên dụng, thuốc trừ sâu…, Nguyễn Quang Ngọc nảy sinh ý tưởng thiết kế “cái nôi” đa năng, giúp cây “chủ động” sinh trưởng mà người trồng vẫn có hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình chậu “thuần khiết thiên nhiên”, nói nôm na là kỹ thuật trồng cây không mất công tưới nước của anh Ngọc, phỏng theo cấu trúc 3 tầng của rừng Amazon, một trong những nơi có hệ thống thực vật tốt nhất. Thứ tự các tầng gồm: đất trồng – không khí – nước. Dựa vào lực hút trái đất và hiện tượng thẩm thấu tự nhiên, các mạch nước trong chậu tự động điều tiết, cung cấp và giữ được độ ẩm đầy đủ cho cây.
Sản phẩm được Ngọc nghiên cứu, tiến hành trong khoảng 10 năm, làm đồng thời với nhiều công trình khác của anh. Anh nông dân này sớm ý thức đến việc bảo vệ môi trường, xanh hóa hành tinh. Với tính năng dễ sử dụng, “chậu trồng cây thuần khiết thiên nhiên” có thể đặt mọi nơi. Anh hy vọng, nếu được ứng dụng rộng rãi, nó sẽ giúp các thành phố lớn của Việt Nam khi nhìn từ trên cao “không còn là những chảo lửa khổng lồ, mà thay vào là tấm thảm lớn hay quảng trường xanh tươi mát”.
Hầu hết các doanh nghiệp ở Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… đều có phản hồi tốt sau khi tìm hiểu sáng chế mới của Ngọc. Chỉ cần thiết kế lại mẫu mã và hoàn tất các thủ tục pháp lý, lô hàng đầu tiên của anh có thể xuất sang những nước này vào cuối năm.
Không chỉ thành công với “cái nôi cây trồng” trên, khả năng của “nhà sáng chế” Nguyễn Quang Ngọc còn thể hiện qua sản phẩm đầu tiên là phin cafe sử dụng một lần, nhận Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, từ năm 2002.
Không qua bất cứ trường lớp nào nhưng Ngọc hầu như thấu hiểu tường tận kiến thức cần thiết cho việc nghiên cứu một công trình khoa học, khiến không ít người có chuyên môn phải bất ngờ.
Tốt nghiệp lớp 12 năm 1988 ở Đắk lắk, Ngọc đi lao động tại Tiệp Khắc. Không như đa số những người xa quê mưu sinh trên đất khách, anh mê chơi hơn làm. Để rồi nhận thấy “chênh vênh và mất niềm tin vào cuộc sống”, anh về nước vào năm 1992 và “lăn lộn” với đủ thứ nghề, kể cả làm lái xe.
Những tháng ngày cơ cực ấy lại chính là chất xúc tác tạo nên men say nghiên cứu và sáng chế cho người nông dân có “máu lãng tử” này. Sự khó nhọc của bản thân giúp anh đồng cảm với người cùng cảnh ngộ, nhất là nông dân và anh nghĩ mình phải tìm ra giải pháp giúp họ đỡ vất vả hơn. Ngọc khao khát tìm tòi, tận dụng mọi cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với các nhà khoa học, để học hỏi, tích lũy vốn sống, kiến thức, thực hiện bằng được ý tưởng của mình.
Dồn bao tâm sức và không ít tiền bạc trong hàng nghìn ngày mới ra một sản phẩm, nhưng tôi hài lòng với công việc hiện tại, vì kết quả nghiên cứu của mình phục vụ thiết thực cuộc sống”, anh chia sẻ.
Niềm đam mê sáng tạo len lỏi vào thú tiêu khiển hằng ngày của Ngọc. Kể cả khi quây quần cùng bạn bè bên chén rượu, tách cà phê, anh vẫn ưu tư vì còn nhiều dự định chưa thành sản phẩm…