Vừa tiếp chuyện niềm nở, cô Xinh vừa lấy dây ra đo gốc cây xem bề hoành bao nhiêu. Chúng tôi không thể tin nổi vào mắt mình, gốc nhãn có bề hoành hơn 3,6m.

 

Đứng dưới cội nhãn, con người trở nên nhỏ bé so với “lão nhãn” này.
Từ thị trấn Long Hồ, chúng tôi men theo con đường nằm kề bên Đài Truyền thanh huyện Long Hồ, đến một cây cầu đúc rồi quẹo phải chạy dọc theo con đường đan nằm cặp một con sông nhỏ khoảng chừng 2 cây số. Đến đây, hỏi nhà nào có cây nhãn to nhất là ai cũng vui vẻ chỉ thẳng đến nhà cô giáo Phạm Thị Xinh (65 tuổi, ngụ ấp An Lương B, xã Long An- Long Hồ).

Khi xe vừa dừng lại, một cây nhãn khổng lồ bất ngờ hiện ra sừng sững phía trước mặt chúng tôi. Cây nhãn xum xuê, thân rất to, lá xanh mịch. Phần thân chính của cây nhãn trước đây đã bị mục. Lớp da nhãn đã tự khép miệng chữa lành vết thương, tạo thành thân cây mới với những dáng vẻ “cổ quái”, vặn vẹo như một tác phẩm bonsai nghệ thuật khổng lồ…

Bà con trong ấp và cả người chủ vườn hiện tại không xác định được tuổi của cây nhãn, song ai cũng khẳng định cây nhãn này có trên 130 năm tuổi. Cô Phạm Thị Xinh, người quản lý mảnh vườn có cây nhãn, cho biết: “Chúng tôi không biết chính xác cây nhãn bao nhiêu tuổi. Ông ngoại tôi nói cây nhãn này của ông cố tôi trồng”.
Cô Xinh còn nhớ ngày trước ông cố cô trồng hai cây, nhưng cây kia ở gần mé sông nên đã bị lở mất, chỉ còn lại cây này. Theo mốc thời gian, ông ngoại của cô Xinh tên Phạm Văn Minh, sinh năm 1884. Tính đến nay thì đã được 129 năm. Như vậy, căn cứ vào những lời trình bày của cô Liễu thì cây nhãn này quả thật có trên 130 năm tuổi.

Bà Nguyễn Thị My (86 tuổi, nhà kế bên) nhớ lại: “Khi tui lấy chồng về đây chỉ có mười chín tuổi là đã thấy cây nhãn này bự cả ôm rồi. Ba mẹ chồng của tui ở đây cũng không nhớ ai trồng lúc nào, huống chi là tui”.

Cô Xinh bên cây nhãn cổ của dòng họ.
Cô Xinh cho biết thêm: Cây thuộc giống long nhãn, chất lượng trái rất ngon. Cây nhãn trước đây cho trái nhiều lắm, trái có cơm dày, hạt nhỏ giống như nhãn tiêu da bò vậy. Năm 1999, khi làm điện nông thôn, ngành điện lực yêu cầu gia đình mé bớt nhánh.
Cây có 2 nhánh chính đã bị mé nhánh bên trái và phần còn lại đã bị mục. Không biết có phải vì vậy mà cây mất sức, rồi lão hóa nên trái ít dần đi… Hiện còn nhánh chính bên phải vẫn xum xuê lá xanh, trông dáng cây nhãn còn rất đẹp.
Thông tin về cây nhãn này đã được lan truyền ra khỏi phạm vi của tỉnh nhà. Mấy năm qua, khách thập phương hiếu kỳ thỉnh thoảng cũng có ghé xem. Không ít người chơi cây cảnh cổ thụ đã ngã giá để mua gốc nhãn. Cô Xinh cho biết: “Mấy năm trước, bà con ở bên Tiền Giang có qua xin được xem cây nhãn. Có người cũng tới hỏi mua, nhưng đây là cây cổ thụ, kỷ niệm của ông bà nên gia đình chúng tôi không bán, giữ lại làm kỷ niệm”.

Hiện thân chính cây nhãn đã mục nhiều, gia đình cô Xinh rất mong được các nghệ nhân có kinh nghiệm hỗ trợ để giữ lấy cây nhãn cổ này.

Khi kể về cây nhãn cổ của cô Xinh và xem qua hình ảnh chúng tôi chụp được, nhiều nghệ nhân thốt lên: Ở miền Tây này chưa bao giờ chúng tôi thấy có cây nhãn nào có gốc bự và đẹp như cây nhãn này.