Một trong những loài cây trong hệ thống cây xanh đô thị, cây xanh công trình được nhiều người chú ý do có hình thái lá lạ mắt, lại vừa cho hoa đẹp, đó là cây móng bò. Do lá của loài cây phân làm 2 thùy, trông giống móng chân bò nên ai đó đã dùng cái tên tượng hình “cây móng bò” giúp chúng ta dễ nhận dạng. Với cách nhìn nhận này, cây móng bò cũng có tên tiếng Anh là Camel’s foot (bàn chân lạc đà).

Cây móng bò là tên rất chung, được dùng để chỉ nhiều loài thuộc chi Bauhinia , phân họ Vang (Caesalpinoideae), họ Đậu (Fabaceae). Chi này tập hợp cả 3 dạng sống: cây gỗ, cây bụi và cây leo với số lượng loài lớn, chỉ riêng ở Việt Nam thôi cũng đã có trên 40 loài.

Ở Huế hiện có 2 loài dạng cây gỗ là móng bò tím, móng bò sọc; 1 loài cây bụi là móng bò trắng và 1 loài dây leo là móng bò hoa phựợng.

– Cây móng bò tím còn được gọi là móng bò đỏ hay cây hoàng hậu, tên khoa học là Bauhinia purpurea.

– Cây móng bò sọc còn được gọi là cây hoa ban, tên khoa học là Bauhinia variegata.

Cả hai loài này đều có chung nhiều tên tiếng Anh là Purple bauhinia, Butterfly-tree, Orchid-tree, Camel’s foot tree…

Thật ra, để phân biệt hai loài móng bò tím và móng bò sọc là không khó, nhưng cũng không đơn giản. Nếu chúng ta chỉ nhìn một cách tổng quát về dạng lá và màu sắc hoa thì nhầm lẫn là chuyện khó tránh khỏi. Để có thể phân biệt hai loài này, chúng ta cần chú ý:

1. Xét về hình thái lá, trong khi móng bò tím chỉ có 9 – 11 gân bên thì móng bò sọc có đến 11 – 13 gân bên. Cuống lá móng bò tím dài đến 4,0 cm, trong khi của móng bò sọc chỉ đạt 2,5 cm.

2. Xét về hoa thì móng bò tím chỉ có 3 – 4 nhị (vì vậy còn có tên khoa học Bauhinia triandra), trong khi đó móng bò sọc có đến 5 – 6 nhị. Màu hoa móng bò tím ít thay đổi, chủ yếu là màu tím và tím phớt hồng, trong khi đó màu hoa móng bò sọc biến động từ trắng, trắng hồng, hồng tím, tím… và cánh hoa thường xuất hiện những đường sọc rất rõ nét. Do biến màu như thế nên trong tên khoa học của loài cây móng bò sọc có từ “variegata”.

Trong hệ thống cây xanh đô thị, cây xanh công trình ở nhiều nơi có sự hiện diện của cả 2 loài. Do thời tiết, khí hậu nhiều nơi khác nhau nên cả hai loài móng bò tím và móng bò sọc không thay lá toàn phần, khiến cho khi cây ra hoa không thể có một vòm hoa rực màu như ở Tây Bắc được. Bù vào đó, cây cho hoa vào nhiều tháng trong năm và ngay trong mùa đông u ám, cây móng bò luôn trổ hoa góp phần điểm tô cảnh vật, giúp cho cảnh quan công trình, cảnh quan đường phố, công trình bớt buồn tẻ.

Cái tên “hoa ban” đã đi vào thơ ca, được nhiều người Việt Nam biết đến hơn tên móng bò, nhưng ít ai ở Huế nghĩ rằng, trong lòng thành phố yêu thương của chính mình, hoa ban cũng đã và đang nở rộ. Đó cũng là điều tất yếu, vì đâu phải bất kì ai cũng am hiểu hết những thuộc tính của các loài cây nói chung và những cây móng bò nói riêng. Bởi thế, chúng tôi nghĩ rằng, nếu như trên thân những cây móng bò ở Huế cũng như bao nhiêu loài khác nữa, có những tấm biển ghi tên cây thì hay biết bao, nó sẽ tăng giá trị nhiều mặt của cây xanh đồng thời cũng góp phần ngăn chặn hành vi xâm hại cây xanh của một vài đối tượng sống trong thành phố chưa ý thức đầy đủ.

Nhân đây, chúng tôi cũng mong rằng, các cơ quan hữu trách nên chú ý phân loại để khi đưa trồng không trồng lẫn hai loài móng bò tím và móng bò sọc với nhau. Ngoài ra, nếu có điều kiện, cũng nên di thực thêm loài móng bò đơn hùng (Bauhinia monandra), có hoa màu hồng nhạt, cánh hoa điểm những đốm đỏ rất đẹp. Đây là loài được trồng khá nhiều ở thành phố Buôn Ma Thuột. Một điều cần chú ý nữa là, để có thể đưa trồng trên vỉa hè đường phố mà không bị cành nhánh phát triển là đà che khuất tầm nhìn giao thông và cản lối đi của bộ hành thì phải nhân giống bằng hạt, chọn những cây xuất vườn có thân thẳng và nên chăm sóc tỉa cành thời gian đầu. Nếu muốn trồng bằng cành giâm thì dứt khoát phải xuân hóa cây mẹ để có những cành cấp một làm vật liệu giâm hom.

Ngoài tác dụng làm cây cảnh quan cây xanh công trình, cây móng bò có thể trồng trang trí công viên, tạo cảnh quan xanh cho cơ quan xí nghiệp, móng bò còn có nhiều tác dụng dược học và thực phẩm, chẳng hạn như: lá có hàm lượng canxi và sắt cao, có vị chua, nên thường được dùng làm chất tẩm tạo hương vị cho thịt và cá; nhiều bộ phận của cây được dùng hạ nhiệt, giảm đau, điều trị kiết lị, tiêu chảy, giun sán, làm chất se, làm rượu bổ, điều trị các tổn thương ngoài da…