Triệu chứng:

Trên cành cây mai vàng, thường có một lọai nấm bệnh mầu nâu đỏ. Ban đầu bệnh chỉ là một đốm nhỏ, sau đó cứ lan rộng dần ra rồi bao kín hết cả một đọan cành, làm cho lá bị rụng, cành bị chết khô dần…


Trả lời:

Qua mô tả của các bạn kết hợp với những gì hiểu biết về sâu bệnh hại trên cây hoa mai, và thực tế mà chúng tôi đã quan sát được ở vùng trồng mai phường Thạnh Lộc, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh vào mùa khô năm ngóai, chúng tôi cho rằng cây mai của các bạn đã bị bệnh nấm hồng gây hại (tên do bà con trồng mai ở đây tự đặt-hiện tại chúng tôi chưa tra cứu được tên của nấm).

Ban đầu vết bệnh chỉ là đốm nấm mầu hồng (hơi giống mầu đỏ đồng), xuất hiện trên cành mai, sau đó vết bệnh cứ phát triển rộng dần ra bao quanh hết cả đọan cành, đồng thời cũng phát triển lên cả phía trên và phía dưới của chỗ bị bệnh, làm cho vết bệnh không chỉ bao kín hết chu vi của cành mà còn phát triển dài thêm (ảnh IV-13a, IV-13b). Khi vết bệnh đã bao quanh kín hết cả một đọan cành thì đa số những lá mai phía trên chỗ bị bệnh sẽ có mầu vàng, xanh loang lổ, rồi bị rụng dần, khúc cành phía trên  chỗ bị bệnh trở lên khô nứt, giòn dễ gẫy (xin xem ảnh). Nếu không phát hiện sớm và phun xịt thuốc phòng trị kịp thời thì có khi lên đến vài chục phần trăm số cành bị hại, làm cho cây xơ xác, vụ ra bông năm sau sẽ không đẹp.

Bệnh thường chỉ tấn công trên những cành nhỏ cỡ chân nhang cho đến cỡ cây đũa ăn cơm, ít khi gây hại ở những cành lớn hoặc trên thân, nếu như cây được phun xịt thuốc kịp thời. Nhưng vì những cành nhỏ này lại là cành mang bông cho vụ sau nên  nếu  để nhiều cành bị hại cây sẽ có ít bông và bông không đẹp, bông nhỏ, rất khó bán và bán không được giá.

Thực tế cho thấy bệnh thường gây hại nhiều hơn trong mùa khô, khi mùa mưa xuống bệnh bớt dần.

Để phòng trị bệnh xin giới thiệu với các bạn áp dụng một số kinh nghiệm của anh Tô Văn Tám một người trồng mai lâu năm ở phường An Phú Đông, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh, sẽ có kết qủa rất tốt:

-Kiểm tra vườn mai thường xuyên (nhất là vào mùa khô) để phát hiện  sớm và có biện pháp ngăn chặn bệnh kịp thời. Khi  phát hiện có bệnh có thể sử dụng một trong những lọai thuốc như: COC 85WP; Vidoc  30WP ; Vidoc 80BTN; hoặc Vidoc 50HP; Batocide 12WP Viben-C  50BTN… để phun xịt, nếu vườn thường bị bệnh này thì trong mùa khô (là mùa thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển) nên phun xịt định kỳ khỏang 1 tuần lễ một lần. Về liều lượng và cách sử dụng thuốc các bạn có thể đọc kỹ hướng dẫn mà nhà sản xuất đã có in trên nhãn thuốc.

-Thường xuyên thu gom những  cành đã bị bệnh không thể phục hồi được đem tiêu hủy. Khi cắt nhớ cắt sâu thêm vào bên trong chỗ vết bệnh khỏang vài phân để phòng nấm bệnh còn sót lại trên cành tiếp tục phát triển lây lan sang các cành khác hoặc các cành non sắp ra sau này.