Cây xương rồng Bát Tiên là cây nhiệt đới rất dễ trồng nhưng cũng cần phải biết một số đặc điểm về sinh thái về môi trường cũng như nơi xuất xứ của nó. Lúc ban đầu chúng ta phải làm sao tạo cho được môi trường khí hậu gần với môi trường khí hậu gốc, dần dần chúng ta mới tập cho nó quen dần thời tiết , khí hậu môi trường ở nơi chúng ta đang trồng, nghĩa là phải thuần hoá dần cây Bát Tiên theo khí hậu của Việt Nam, kế đến kỹ thuật trồng là quan trọng nhất, phải biết cho rõ một số điều kiện cần thiết để cho cây sống mạnh, siêng ra hoa, hoa lâu tàn…
1. Chậu trồng cây :
Cây Bát Tiên thường có thân nhỏ, trồng lâu năm mới phát triển, nhưng cây cũng không to lắm, nên không cần phải có chậu lớn. Thật ra có chậu nào trồng chậu đó cũng được, nhưng trồng làm cảnh cần phải có chậu đẹp như chậu Bát Tràng, chậu Minh Long, nó vừa bền lại vừa đẹp, bình thường ta trồng chậu bằng đất, khoảng 2-3 dm đường kính là được. Chậu đất nung vừa rẻ tiền vừa tiện lợi rất phù hợp trồng cây Bát Tiên. Những người có tiền, có thể đặt làm chậu men đề tên “Bát Tiên Phước Lộc Thọ Toàn “ với nhiều hoa văn và màu sắc rất đẹp. Nếu đơn giản thì dùng chậu nhựa cũng được.
Chất trồng: là điều quan trọng thứ hai. Đất phải tơi xốp, không có đất sét, không có phèn, phải phơi khô để diệt hết vi khuẩn, hết côn trùng, làm sao khi tưới nước phải rút hết ngay. Theo tài liệu của Thái Lan và theo kinh nghiệm của nhiều nghệ nhân thì thành phần đất trồng cụ thể như sau:
3 phần đất thịt hoăc đất phù sa.
1phần vỏ đậu phộng đã ngâm mục.
1phần vỏ xơ dừa đã ngâm mục
2phần phân chuồng và một ít phân bánh dầu đã xay nhuyễn.
2 phần tro trấu.
1 phần phân hoá học và thuốc linh tinh rất ít, như các loại phân vôi, phân lân , thuốc trừ kiến.v.v…
Tuy nhiên, tuỳ theo từng vùng có những nguyên liệu nào nhiều và rẻ tiền thì cũng có thể sử dụng để thay thế hoặc thêm bớt hoặc thay đổi thành phần cho thích hợp, miễn sao đất trồng phải tơi xốp, rút nước nhanh và đủ chất dinh dưỡng cho cây phát triển là được. Các thành phần trên phải mua tập trung một chỗ, trộn cho đều, sau đó phơi nắng cho thật khô để diệt hết vi khuẩn, có thể trộn thêm thuốc trừ sâu và thuốc trừ kiến như BaSudin 10H, nay đổi tên là Vibasu 10H dạng viên nhỏ. Sát trùng đất là rất cần thiết nhằm tránh côn trùng , sùng, ốc, quấn chiếu, kiến đục khoét rễ cây làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.
2. Cách trồng:
Trước khi bỏ đất vào chậu thì cần phải bỏ ở dưới đáy chậu một lớp gạch đá nhỏ, nhưng phải lớn hơn lỗ chậu. Mục đích để thoát nước nhanh cho cây và khi chêm gạch nên lưu ý đừng để cho rễ cây sao này có thể chui vào lỗ thoát nước, làm bít những lỗ này. Cho hỗn hợp đất và tro trấu đã chuẩn bị sẵn vào chậu đến cỡ khoảng nữa chậu rồi mới đặt cây Bát Tiên vào, canh cho ngay ngắn rồi mới tiếp tục bỏ thêm chất liệu trồng vào, đến cỡ khoảng 8/10 chậu là vừa, để khi tưới nước, nước không tràn ra bên ngoài chậu làm dơ bẩn. Mới trồng nên tưới nước cho vừa đủ ẩm, nên cắm một cây nọc nhỏ, cột giữ chặt thân cây lại không cho cây bị lay động . Cây mới trồng nên để vào chỗ râm mát, mỗi ngày chỉ nên tưới nước một lần, ít ngày sao cây sẽ mọc rễ, đâm chồi, ra lá mới chừng đó mới cần tưới phân tăng trưởng NPK 30-10-10, pha 10gam/10lít nước, cỡ từ 7 đến 10 ngày tưới một lần cây sẽ phát triển tươi tốt. Đến chừng nào cây mập mạp trưởng thành mới tưới thúc bổ sung thêm phân hoá học NPK 15-30-15, để kích thích cây ra hoa.
3. Sang chậu:
Sang chậu cũng không khác mấy cách trồng. Sau khi trồng 1-2năm cây sẽ cao to lên nhưng dần dần ốm yếu, ít ra hoa , là do cây đã ăn hết phân, nên phải nhổ cả cây lên trồng lại hoặc sang qua chậu khác to hơn cho phù hợp với kích cỡ của cây hiện tại. Sang chậu hoặc trồng lại đều phải thay đất mới, có thể thay một phần hoặc thay hết. Muốn nhổ cây lên phải lấy dao xoắn đào đất ở sát vành chậu bỏ bớt ra ngoài, cho đất trồng tách ra khỏi vành chậu, sao đó mới lắc nhẹ từ từ nhổ cả cây lên, xem xét kỹ bộ rễ, có thể lấy tay bẻ bỏ bớt đất dính theo bộ rễ, cắt bỏ bớt rễ nào bị hư thối hoặc rễ nào đã khô chết, đồng thời cũng cắt tỉa bỏ bớt những nhánh nào quá già, hoặc nhánh nào mọc quá dày cho thông thoáng, những nhánh đã cắt đi này có thể đem giâm trồng lại được. Trồng cây trở lại vào chậu mới hay cũ cũng như cách trồng lúc trước, cũng để vào chỗ râm mát một thời gian để cây sống mạnh rồi từ từ mới đem ra để ngoài nắng vài tiếng rồi mới đem vào, cho cây quen chịu nắng dần rồi mới để hẳn ở ngoài nắng được, nếu để ngoài nắng ngay thì cây sẽ bị cháy lá.
4. Bón phân:
Mặc dầu khi trồng cây, trong đất đã có trộn phân rồi, thường là phân hữu cơ, tuy nhiên khi cây sống lâu ngày đã ăn hết phân, cần phải bón bổ sung thêm hoặc bón thúc thêm để kích thích cây ra hoa bằng phân hoá học. Thành phần chính trong phân là :
Đạm (N): là chất dinh dưỡng căn bản nhất, cây cần rất nhiều chất đạm để tăng trưởng phát triển, đâm chồi, nảy tược ra lá, giúp cây quang hợp tốt, mập mạp, xum xuê, cành nhánh to…
Lân (P): là loại phân quan trọng thứ hai, kích thích cây ra hoa mạnh, nhanh, ra trái to, chất lượng hạt chắc, tỷ lệ nảy mầm cao….
Kali (K): giúp cây hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng khác, ra chồi lá to, mập, cây cứng cáp, đứng thẳng, không đỗ ngã. Kali còn làm cho hoa to, màu sắc đẹp và hoa lâu tàn.
Ngày nay các nhà sản xuất phân đều chế biến, pha trộn nhiều thành phần hỗn hợp gọi là phân NPK cộng với phân vi lượng, với nhiều loại tên như: phân tăng trưởng, phân kích thích,… thường dùng để bón cho cây con có tỷ lệ đạm cao như :
Loại phân NPK 30-10-10 : trong đó tỷ lệ phân đạm là 30, lân là10, kali là 10. Loại phân này có nhiều đạm, nên khi tưới cây sẽ tăng trưởng nhanh, ra nhiều chồi lá, cây mập mạp, thường dùng bón cho cây con hoặc cây mới trồng.
Loại phân NPK 15-30-15: đây là loại phân có tỷ lệ lân cao, giúp cây ra hoa nhanh, hoa to, dễ đậu trái.
Loại phân NPK 10-10-30 : có tỷ lệ Kali cao (30) dùng bón cho cây sắp và đã ra hoa để có được hoa to, hoa đẹp hoa lâu tàn, đồng thời giúp cho cây cứng cáp, không đỗ ngã …
Đó là 3 loại phân căn bản nhất:
Loại 30-10-10 : cho cây con
Loại 15-30-15 : cho cây trưởng thành
Loại 10-10-30 : cho cây sắp ra hoa
Tuy nhiên các loại phân này cũng gây bất tiện cho người trồng, nghĩa là bắt buộc phải trồng cây cùng lúc cùng cỡ: khu nào trồng cây con thì phải trồng toàn cây con, khu nào trồng cây trưởng thành thì phải trồng toàn cây trưởng thành để thuận tiện cho vịêc tưới phân . Nếu vườn to thì mỗi loại cây có thể xếp thành nhóm riêng. Còn nếu vườn nhỏ trồng cây đủ cỡ cây con có cây trưởng thành có, cây ra hoa cũng có thì rất khó cho việc bón phân. Vì vậy các nhà sản xuất đưa ra loại phân thứ tư là NPK 20-20-20 trong đó tỷ lệ đạm, lân, kali đều là 20 được dùng để bón cho bất cứ giai đoạn nào của cây, cây sẽ luôn tươi tốt và ra hoa, hoa cũng đẹp và lâu tàn. Loại phân này thực sự tốt và thích hợp cho những người có vườn nhỏ.
Lưu ý : cách bón phân cũng phải tính cho cân đối, nếu bón hoài một thứ phân sẽ làm dư lượng
– Dư đạm cây sẽ rất mập mạp, cành lá xanh tươi, lá to quá cỡ làm cho ngọn cây oằn xuống dễ đỗ ngã hoặc gãy, đồng thời thu hút nhiều sâu rầy, và cây dễ bị thối nhũng. Cây dư đạm phải ngưng tưới đạm, chỉ tưới lân và kali, cây sẽ cứng cáp trở lại.
– Khi thiếu đạm cây sẽ ốm yếu, lá nhỏ, không xanh tươi, có khi vàng úa, chậm lớn, ít hoặc không ra hoa, cây cằn cỗi. Gặp trường hợp này phải tưới loại phân có nhiều đạm, cây sẽ trở lại mập mạp.
Khi dư lân, cây sẽ ra hoa sớm, cây sẽ mau già, cây cứng cáp khác thường, lá nhỏ… nên giảm tưới lân và bón thêm phân đạm.
– Khi thiếu lân lá xanh đậm, nhỏ, ngắn, hẹp và dày, trông bất thường, bộ rễ yếu không phát triển được làm cây cằn cỗi, hoa nhỏ, không đậu trái, nếu có thì hạt lép.
– Khi dư Kali thì lá chuyển sang màu vàng rồi cháy khô, cây ngưng phát triển, có khi héo rũ. Gặp trường hợp này cần ngưng tưới phân có nhiều kali mà tưới thêm phân đạm, cây sẽ trở lại bình thường.
– Khi thiếu Kali cây ngưng phát triển, lá già trở nên vàng rất nhanh và khô rụng, lá non không to, mọc chụm lại do không hấp thụ được các loại phân khác, cây èo uột rồi chết dần.
5. Tưới nước :
Cây Bát Tiên rất cần nước , trồng ở Thành phố Hồ Chí Minh, vào mùa nắng có thể tưới mỗi ngày một lần vào mùa mưa thì 2-3 ngày tưới một lần cũng được tuỳ theo đất trồng trong chậu khô nhiều hay ít nhưng tốt nhất là xem đất trên mặt chậu nếu khô thì tưới, mỗi lần tưới phải tưới cho đủ nước, để nước thấm sâu xuống đáy chậu, phải đục lỗ thoát nước để nước không ứ đọng gây thối rễ. Lưu ý “ cây mạnh phải tưới nhiều nước, cây ýêu tưới ít nước và cây mới trồng không nên tưới nước chỉ phun sương mà thôi”.
6. Thông gió :
Cây Bát Tiên cũng cần phải thông gió, nên trồng trên cao càng tốt và phải xếp theo thứ tự cây cao theo cây cao, cây thấp theo cây thấp và khoảng cách phải hơi xa một tý cho gió vào được khắp vườn, không để cây nhỏ phải ở giữa các cây lớn. Tốt nhất nên làm kệ có nhiều tầng cao thấp tầng này cách tầng kia 20 cm là vừa.
7. Anh sáng :
Cây Bát Tiên cần rất nhiều ánh sáng mới tốt, hoa mới đẹp, nhưng cây mới trồng phải để nơi râm mát, bao giờ cây sống mạnh mới đem dần dần ra ngoài nắng, phải tập cho cây quen dần , cây mới chịu được nắng 100%. Mùa nắng cây thường ra hoa nhiều hơn mùa mưa.
8. Nhiệt độ :
Cây Bát Tiên thính hợp được với nhiệt độ của môi trường tại TP Hồ Chí Minh, đa số cây trồng đều sống mạnh và siêng ra hoa.
9. Phòng trừ bệnh
Cây Bát Tiên rất dễ trồng và ít bị bệnh, chỉ có bệnh nấm mốc là cần phải phòng trị :
Bệnh nấm mốc :
Cây Bát Tiên qua tháng mưa nếu tưới nước nhiều quá nhất là về đêm, khi quá ẩm cây sẽ dễ bị mấm mốc. Nấm thường bám vào gốc cây quá già, có nhiều cây con nhỏ dài đặc ở dưới gốc, hoặc cỏ rác bám lấy gốc cây, cây quá ẩm nên sinh nấm. Nấm cũng thấy trên lá già bị che khuất không có ánh nắng mặt trời, nấm thường bám vào mặt dưới của lá, có khi đóng dầy và ăn lên đến mặt trên. Đối với trường hợp này nên làm vệ sinh, tỉa bỏ những nhánh dư thừa, nhỏ cỏ rác, cắt bỏ lá già. Nếu trường hợp bị nặng thì phun thuốc trừ nấm Aliette.
Bệnh đốm lá :
Đây là bệnh khá phổ biến vào mùa mưa. Trên lá bị đọng nước hoặc bị thương thường thấy có một đốm nhỏ, màu đen, rồi lan dần ra một đốm to, bên trong màu đen , bên ngoài màu vàng, rồi lan rộng ra cả nửa lá, lá đó sẽ vàng úa và rơi rụng. Trường hợp lá rụng thì không sao, nhưng khi lây qua lá khác thì phải phun thuốc trừ ngay nếu không thì bệnh sẽ lây lan cả cây rụng hết lá chỉ còn một chùm đọt trông rất xấu xí. Có thể phòng trừ bằng cách phun thuốc Aliette hoặc Benlat.
Phòng trừ sâu rầy:
Vườn trồng Bát Tiên phải thường xuyên làm vệ sinh, dọn sạch rác, nhổ sạch cỏ chung quanh. Nếu môi trường thoáng mát thì không có kiến dế sâu rầy phá hoại và mang mầm bệnh đến, nhất là nên cách ly cây bị bệnh, cũng như cây mới mua về phải phun thuốc xử lý trước khi trồng thì khỏi sợ sâu rầy và bệnh lây lan ra các cây khoẻ mạnh trong vườn.
Rệp sáp hay rầy bông :
Rệp này hay xuất hiện khi có kiến, rệp này bên ngoài được bao bọc bởi một lớp bông màu trắng như sáp không thấm nước. Rệp này hút ăn nhựa cây, tiết ra một chất ngọt nuôi lại kiến, cho nên rệp và kiến là hai côn trùng cộng sinh. Kiến tha rệp để lên ngọn cây, rệp hút nhựa cây ăn rồi tiết ra một chất ngọt gọi là sữa nuôi lại kiến, cho nên trên bất cứ cây nào hễ thấy có kiến bò lên là có rệp sáp. Rệp sáp rất khó trị do mình có bộ lông không thấm nước không thấm thuốc. Muốn trừ rệp này phải pha thuốc trừ sâu rầy với một chất bám dính như Lanyl sulfate. Có thể phòng trừ rệp sáp bằng Supracide, Sherpa hoặc Trebon. Phun thuốc kỹ ở nách lá, mặt dưới của lá. Nếu muốn trừ tận gốc rệp sáp thì phải rắc thêm thuốc trừ kiến như Basudin chung quanh chậu trồng.
Bọ trĩ, sâu rầy khác :
Các loại này ít thấy ở cây Bát Tiên , ở sách của Thái Lan có chụp ảnh con bọ Thrip và rệp đỏ Red Spider mite, phòng trị cũng dễ chỉ cần phun thuốc trừ sâu rầy như : Sherpa, Trebon, Bi 58 …..
Đối với cây Bát Tiên hiện nay chưa thấy xuất hiện bệnh gì khác, nhưng nên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu làm vệ sinh môi trường phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hàng tháng thì không sợ gì cả.