Căn cứ kết quả đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình trồng và nhân giống hoa Lily tại Cao nguyên Mộc Châu” của Trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH &CN tỉnh Sơn La, đề tài: “Nghiên cứu một số biện pháp kĩ thuật nhằm nâng cao năng suất chất lượng hoa lily tại Mộc Châu” do PGS.TS Hoàng Ngọc Thuận, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội trực tiếp nghiên cứu, hướng dẫn, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn trồng thử nghiệm 4 vụ hoa Lily năm 2005 – 2009, thu thập các thông tin về kinh nghiệm trồng hoa Lily ở Việt Nam và trên thế giới, chúng tôi xây dựng “Qui trình trồng và chăm sóc hoa Lily” tại Mộc Châu – Sơn La.

Hoa Lily mới được đưa vào trồng ở nước ta từ mấy năm gần đây ở Đà Lạt, Sơn La. Từ năm 2003 một số công ty TNHH kinh doanh hoa ở một số địa phương ở miền Bắc đã bắt đầu nhập nội giống của các công ty của Hà Lan, gián tiếp qua các công ty ở Côn Minh Trung Quốc. Đà Lạt là nơi thử nghiệm trồng hoa Lily đầu tiên ở nước ta, và đã có hoa Lily xuất khẩu sang Nhật, Indonesia, Malaisia và Campuchia. ước tính hiện nay Đà Lạt có khoảng gần 5 ha canh tác trồng hoa Lily cả bên ngoài trời và trong nhà Polifilm. Riêng Mộc Châu năm 2009 trồng trên 6 ha trong nhà mái che.

PGS.TS Hoàng Ngọc Thuận, Trường ĐHNN Hà Nội đã nghiên cứu chế tạo và sản xuất thành công chế phẩm phân bón lá phức hữu cơ Pomior P399 dùng cho hoa, cây cảnh..

Tại Sơn La, một số doanh nghiệp tư nhân đã nhập giống từ Côn Minh Trung quốc trồng thử nghiệm hoa Lily tại Mộc Châu, xã Ngọc Chiến huyện Mường La, cho thấy tỉnh Sơn La có nhiều vùng có thể phát triển tốt cây hoa Lily để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Kết quả trồng thử nghiệm ở một số địa phương cho thấy muốn trồng hoa Lily có hiệu quả còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong các khâu kỹ thuật, cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Cao nguyên Mộc Châu ở độ cao trên 1050 mét so với mặt biển, đất đai phì nhiêu và tương đối bằng phẳng, có chế độ chiếu sáng tốt, nhiệt độ bình quân năm khoảng 18,50C, rất phù hợp với phát triển nhiều loại hoa cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. Đây là một lợi thế mà ít vùng trong nước có được.

Hiện nay ở Mộc châu đã có nhiều doanh nghiệp và tư nhân đang đầu tư trồng hoa Lily như: Công ty cổ phần hoa Nhiệt đới – Hà Nội, Công ty rau quả – Hà Nội, Hợp tác xã nông nghiệp 19/5 Mộc Châu…

Căn cứ kết quả nghiên cứu ứng dụng từ đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình trồng và nhân giống hoa Lily tại Cao nguyên Mộc Châu” của Trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH &CN tỉnh Sơn La, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn từ việc trồng thử nghiệm 4 vụ hoa Lily năm 2005 – 2009 và thu thập các thông tin về kinh nghiệm trồng hoa Lily ở Việt Nam và trên thế giới, chúng tôi xây dựng “Qui trình trồng và chăm sóc hoa Lily” tại Mộc Châu – Sơn La.

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG HOA LILY

Lily là loại cây ưa sáng, nhu cầu ánh sáng khoảng: 60 – 85%, thích nghi khí hậu lạnh với nhiệt độ khoảng: 17 – 25oC. Độ ẩm từ 60-80%, nếu quá khô củ dễ bị mất nước, quá trình quang hợp và hô hấp giảm nếu quá ẩm củ dễ thốí cây dễ bị bệnh.

Lily là cây có dạng thân hành, sống lâu năm ở trên cạn.

Củ Lily không có vỏ bao nhưng có nhiều rễ bọc bên ngoài.

Lily có một hệ rễ chùm là rễ chính nằm dưới củ, ngoài ra còn có thêm một hệ rễ thân nằm dưới thân, trục thân.

Lily có nhiều lá và là nơi có thể mọc thêm những củ con, lá đơn có hình Mác hoặc hình vạch có gân song song với các phiến hẹp, dài từ 10 – 15 cm, rộng tử 1,5 – 2 cm.

Hoa Lily đều, lưỡng tính, hoa mẫu ba, có khi mọc đơn độc hoặc mọc từng cụm ở ngọn. Bao hoa đơn, dạng cánh, không phân hoá thành đài và tràng rõ rệt, gồm 6 cánh xếp 2 dãy xen kẽ nhau, cánh thật dính nhau ở gốc.

Để đảm bảo cây có sức sinh trưởng tốt, chất lượng hoa thương phẩm đạt tiêu chuẩn xuất bán trong nước và xuất khẩu, điều khiển thời điểm ra hoa đúng thời vụ, cần đảm bảo đầy đủ các khâu trong qui trình như sau:

I – Sử lý đất và phối trộn giá thể

1. Thành phần giá thể

– Xỉ than, Vôi bột, Phân hữu cơ vi sinh, N-P-K, Trấu, Đất mặt.

– Đào bóc lớp đất mặt trong luống sâu: 40-45cm. Để riêng lớp đất mặt, nhặt sạch rễ cây cỏ, tàn dư thực vật, sỏi đá….

– Làm đất lên luống: Rộng 1 – 1,2m. Cao 20 – 30 cm để thoát nước.

2. Phương pháp phối trộn

+ Dải một lớp sỉ than dầy 10cm. Cho các viên sỉ to xuống dưới sau đó rải lớp sỉ nhỏ lên trên . Có thể trộn lớp sỉ than nhỏ này với đất mặt để trồng.

Mục đích: Tăng khả năng thấm hút nước bề mặt. Đảm bảo lượng không khí cho rễ cây hô hấp . Chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh từ tầng đất dưới…

+ Dải 30cm đất mặt đã được nhặt sạch thân rễ cỏ và sỏi đá …

+ Dải đều 1 lớp trấu trên mặt luống: 30 kg/100m2

+ Dải tiếp 1 lớp vôi bột đều trên mặt luống: 10 kg/100m2

+ Dải tiếp 1 lớp Phân hữu cơ vi sinh: 1 tấn /100m2

+ Dải tiếp 1 lớp Phân N -P-K: 10 kg/100m2

+ Phun Viben C liều lượng: 25g/8lít nước /100m2

Trộn đều lớp giá thể trên đến độ sâu 15cm, làm nhỏ đất đảm bảo nhỏ mịn đều.

Yêu cầu : Phối trộn Giá thể + sử lý đất trước khi trồng từ: 7-10 ngày.

II – Kỹ thuật trồng

1. Chọn giống:

Mỗi giống có các đặc trưng, đặc tính khác nhau như các đặc điểm về hình thái, thời gian sinh trưởng… do vậy việc chọn giống đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến sự sinh trưởng phát triển, chất lượng hoa, thời điểm thu hoạch và nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Với các dòng Oriental thời gian sinh trưởng thường dài (100 – 120 ngày). chất lượng hoa tốt, màu sắc đẹp, cánh dày, độ bền hoa cắt cao. Các dòng LA -Hybride ngắn hơn ( 70 – 90 ngày) tuỳ thuộc từng giống. Kích cỡ củ giống có quan hệ chặt chẽ tới chất lượng hoa thương phẩm, củ giống càng to, số lượng nụ /cành càng cao. Vì vậy cần có công tác chọn lọc, phân loại củ giống trước khi trồng, nhập các củ giống có chất lượng tốt, kích cỡ to…

Chọn những củ giống đã được sử lý xuân hoá đang nảy mầm, có bộ rễ tốt, không bị bệnh (Nên trồng khi củ có chiều dài mầm từ 0,5 – 1,0 cm, nếu để mầm phát triển quá dài khi trồng dễ gây tổn thương cho cây do dó dễ bị nhiễm bệnh).

2. Thời vụ trồng:

Lily là cây có nguồn gốc ôn đới, thích ứng với điều kiện nhiệt độ 17 – 25oC. độ ẩm 60-80%, đặc biệt Lily rất mẫn cảm với nhiệt độ, nhiệt độ cao > 25oC cây sinh trưởng nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn.

Thời gian sinh trưởng các giống nhập nội ở vụ Hè Thu ngắn hơn so với giống gốc từ 25 – 30 ngày, đối với vụ Đông – Xuân khá chuẩn so với giống gốc, do vậy việc lựa chọn giống và xác định thời vụ là khâu quan trọng quyết định sự thành bại của Doanh nghiệp. Ngoài ra cần phối hợp với các biện pháp kĩ thuật chăm sóc và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm phù hợp mới có thể tạo được hoa chất lượng cao, nở đúng thời gian theo ý muốn.

– Với các dòng Oriental (Stagazer, Sorbonne, Yelloween, Valdermar, Ribera…)

+ Trồng từ: 25/8-05/9 Thu hoạch vào dịp 20/11

+ Trồng từ: 20/11-30/11 Thu hoạch vào dịp 08/03

– Với các dòng LA -Hybride (Twister, Avenilo, Acapuco, Freya…)

+ Trồng từ: 10/9-15/9 Thu hoạch vào dịp 20/11

+ Trồng từ: 05/12-10/12 Thu hoạch vào dịp 08/03

3. Kĩ thuật trồng:

– Sử lý củ trước khi trồng bằng Viben C hoặc Rydomyl: 20g/8lít nước (có thể phun trực tiếp vào củ sau khi trồng).

– Mật độ trồng 25 – 28 củ /m2, (20 x 20 cm hoặc 18 x 20 cm2).

– Độ sâu lấp đất: 10-12cm trên củ.

Sau khi trồng dùng bình phun sương tưới nhẹ đủ ẩm. Duy trì độ ẩm đất đạt 70% – 80%.

lII – Chăm sóc

1. Bón phân

– Bón thúc N – P- K 5-10-3:

+ Tháng thứ 1: Bón 50g/m2

+ Tháng thứ 2: Bón 70g/m2

+ Phun Pomior 0,3% qua lá

+ Tháng thứ 3: Bón 70g/m2

+ Phun PotasPhosphas 0,25% qua lá

– Phương pháp bón:

+ Bón NPK: Dùng Dầm rạch nhẹ ở giữa các hàng cây, ở độ sâu từ 2 – 3 cm. Trộn đều phân với đất bột khô để bón cho đều. Sau khi bón cần lấp đất ngay chú ý cần lấp kín phân để phân không bị khô, cây dễ hấp thụ.

+ Bón thúc qua lá:

Dùng Pomior hoà với nước phun uớt đẫm thân lá. Liều lượng dùng: 30 – 40 ml Pomior pha với 10 lít nước.

PotasPhosphas 0,25% khi cây bắt đầu phân hoá mầm hoa, từ 7- 10 ngày phun 1 lần, phun ướt đẫm lá.

2. Làm cỏ phá váng

Yêu cầu: Phải tạo cho lớp đất mặt tơi xốp thoáng khí hạn chế sự cạnh tranh dinh duỡng của cỏ dại.

Dùng dầm xới nhẹ mặt luống, độ sâu xới đất từ 2-3cm, cách gốc từ 4- 5cm. Chú ý tránh làm đứt rễ hoặc gây tổn thương cho thân và bộ rễ vì đây là con đường chính để các loại nấm, vi khuẩn xâm nhập gây hại cho cây. Thời gian làm cỏ: 10 – 15 ngày /lần.

3. Chế độ chiếu sáng:

Hoa Ly là cây ôn đới, thích nghi với điều kiện chiếu sáng tán xạ, cường độ chiếu sáng thấp. Đặc biệt với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam cần có lưới che chắn nắng thường xuyên, nên trồng cây trong nhà kính hoặc che phủ nilon giả kính.

Đảm bảo cường độ chiếu sáng từ 50-60% ánh sáng trực xạ.

Duy trì nhiệt độ trong nhà kính từ: 20 – 25 0 C.

Độ ẩm không khí từ 60 – 70%.

4. Phòng trừ sâu bệnh:

a. Rệp sáp:

Thường gây hại trên các lá non gần ngọn, cây sinh trưởng phát triển kém.
Biện pháp phòng trừ: Phun Regent, Supracide 0.05% – 0.1% trừ sâu, Rầy, Rệp.
Lượng phun: 8 – 10 lít nước thuốc / 100 m2

b. Nhện đỏ:
Thường gây hại trên các lá non. Nhện chích hút nhựa cây, các vết chích hút đâu tiên nhỏ, sau đó lan dần rộng có màu vàng. Làm cho lá có các đốm vàng loang lổ, gân lá có màu xanh.
Biện pháp phòng trừ: Phun Supracide 0,1% hoặc Octus, Kelthan, Pegasus.
Phun 2 lần mỗi lần cách nhau 7- 10 ngày. Lượng phun: 6 – 8 lít nước thuốc /100m2

5. Bệnh hại

a. Bệnh Thối nõn:

Nguyên nhân do nấm gây nên. Bệnh gây hại từ Củ, Mầm chồi non, Thân và ở Lá….

Bệnh thường gây hại ở những lá non, chồi ngọn. Cây bị bệnh thường sinh trưởng rất chậm. Các lá thường xuất hiện bệnh từ đầu lá sau lan dần ra gân lá và thịt lá làm cho đầu lá bị khô, lá phát triển không đều cong queo, dị dạng, khả năng quang hợp kém.

Biện pháp phòng trừ: Phòng là chính. Trước khi trồng phải làm đất thật kĩ, nhặt sạch tàn dư thực vật. Phun VibenC hoặc tốt nhất dùng Rydomyl với liều lượng: 25g/8lít nước, phun ướt đẫm đều mặt luống, trộn đều với lớp đất mặt đến độ sâu 15cm.

Khi trồng cần sử lý củ giống bằng Rydomyl hoặc VibenC trước khi lấp đất.

Khi bệnh đã phát sinh, phát triển cần sử lý sớm: Loại bỏ ngay các cây bị bệnh, Phun Rydomyl 25g/8l nước, VibenC 25g/8l nước, phun ướt đẫm thân lá. Thời gian phun: Từ 7 đến 10 ngày /lần.

Hạn chế tưới nước cho đến khi bệnh không phát sinh phát triển nữa mới tiếp tục tưới.

b. Bệnh vàng lá:

Nguyên nhân do Virus gây nên.

Triệu chứng bệnh: Lá bị vàng đều trên toàn bộ phiến các lá non, cây sinh trưởng, phát triển chậm, thân và lá nhỏ. Bệnh nặng có thể gây rụng lá.

Phòng trừ bệnh: Sử lý đất, củ giống bằng VibenC. Khi có bệnh cần phát hiện sớm. Dùng VibenC phun ướt đẫm thân lá. hoặc dùng Rydomyl 25 g + Streptomycin 1g pha cho 1bình 8 lít nước phun ướt đẫm lá.

IV. Thu hoạch – Bảo quản

Khi nụ hoa bắt đầu chuyển màu, kích cỡ nụ phát triển nhanh, nụ đã chín (kích cỡ nụ to, từ cứng chuyển sang mềm) bắt đầu thu hoạch.

1. Phương pháp thu hoạch:

a. Cắt cành:

Dùng kéo sắc cắt gọn cành hoa, độ cao cắt cành tuỳ thuộc chiều cao cây và mục đích thu hoạch. Sau khi cắt cành cho vào xô có chứa 10 cm nước + dung dịch bảo quản (Pomior 0,3%).

b. Đánh cây trồng chậu:

Trước khi bứng cây cần tưới đẫm luống hoa, dùng Mai hoặc xẻng sắc đào sâu xung quanh gốc 20 – 25 cm. Bứng gọn cả bầu đất + cây cho vào túi ni lon, buộc chặt miệng túi để tránh vỡ bầu khi vận chuyển.

Xếp cây + bầu theo phương thẳng đứng, chú ý xếp và chèn chặt bầu và cây để không bị lắc, đổ trong quá trình vận chuyển.

Sau khi vận chuyển cần nhanh chóng tháo dỡ, tưới ẩm và trồng ngay vào chậu, bình…

Thành phần giá thể trồng chậu: 30% phân chuồng hoai + 20% Trấu + 50% đất mặt.

2. Bảo quản

a. Bảo quản hoa tươi:

Với hoa cắt cành nở sớm hơn trước thời điểm tiêu thụ cần có kho lạnh để bảo quản, tuy nhiên thời gian bảo quản không quá 7 ngày.

Điều chỉnh nhiệt độ trong kho lạnh tới nhiệt độ 15OC. Xếp lần lượt các xô đựng Hoa trong kho.

Hạ dần nhiệt độ tới 8oC (cứ 6 giờ điều chỉnh nhiệt độ giảm xuống 4- 5oC cho đến khi đạt 8oC). Thời gian bảo quản ở nhiệt độ này không quá 48 giờ.

Nâng dần nhiệt độ tới 15oC (cứ 6 giờ điều chỉnh nhiệt độ tăng lên 4- 5oC cho đến khi đạt 15oC). Trong thời gian này cần chiếu sáng nhân tạo (Dùng các bóng đèn 60W chiếu sáng liên tục từ 12 – 14 giờ /ngày).

b. Đóng gói vận chuyển:

– Phân loại hoa theo tiêu chuẩn: Loại 1, loại 2,….

– Bó hoa: tuỳ theo yêu cầu tiêu thụ để bó hoa loại 5 cành /bó, 10 cành /bó. Chú ý phải bó chặt phần gốc trước khi đống gói.

– Đóng gói: Dùng giấy báo hoặc túi đựng hoa gói chặt các cành hoa, xếp vào thùng gỗ hoặc thùng giấy theo hướng nằm ngang, chú ý chèn chặt các bó hoa tránh va chạm trong khi vận chuyển.