Để trả lời câu hỏi này, thông qua ban tổ chức Hội hoa xuân Thành phố chúng tôi đã tìm gặp được người tạo ra cây hoa độc đáo này. Chú cho biết cây hoa này có được không phải do lai tạo mà là do chú đã kiên trì và chịu khó ghép nhiều giống bông trang có màu hoa khác nhau lên cùng một gốc ghép.
Theo chú hiện nay ở nước ta có nhiều loại hoa bông trang, nhưng nhìn chung có thể quy tụ thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất thường có thân cây lớn, lá lớn như bông trang Huế có hoa đỏ thẫm, bông trang Đà Lạt lá dài, hoa màu đỏ, bông trang trắng hoa màu trắng, có thân rất cao, đôi khi đến 3 mét (theo chú ba loại trên đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 100 năm nay), bông trang Tàu cây thẳng đứng, tàn lá ít, xòe bông nhiều, màu cam, bông trang Mỹ hoa to, có hai màu đỏ và hường, tán lá xum xuê…
Nhóm thứ hai thường có thân thấp nhỏ, lá nhỏ, bông nhỏ, nhiều người gọi là trang rí, xuất xứ từ Thái Lan (được du nhập vào nước ta khoảng hơn 10 năm trở lại đây) loại này có 7 màu: trắng, cam, tím lợt, hường phấn, vàng nghệ, vàng chanh và đỏ, trong đó màu đỏ lại được chia thành hai loại: bông cao chân không tròn lắm, một loại bông thấp chân, đẹp hơn.
Chú nói muốn có một cây bông trang ghép có dáng cổ thụ không khó lắm, chỉ cần hiểu biết một chút và có tính kiên trì là được. Về cách làm thì trước hết phải kiếm được một cây làm gốc ghép có dáng cổ thụ, để đạt được yêu cầu này thì phải dùng loại bông trang nhóm thứ nhất có hoa màu đỏ hoặc trắng, thân to, lá lớn, nhiều cành, mà ở Nam Bộ bà con thường trồng trước bàn thờ ông Thiên hoặc hàng rào. Gốc cây càng lớn càng tốt vì sau này dễ tạo thành một gốc cổ thụ. Sau đó bứng cây, cắt tỉa cho vừa ý đem trồng vào chậu lớn, chăm sóc chu đáo, khoảng một tháng sau cây sẽ nẩy tược. Khi những tược này ra được ba, bốn tầng lá và có độ lớn cỡ ruột cây viết bi trở lên là có thể ghép được (để dễ phân biệt tạm gọi mỗi tược này là một “gốc ghép”). Cây cần lấy giống để ghép thì chọn loại thuộc nhóm thứ hai (có lá nhỏ, bống nhỏ), còn chọn màu hoa nào thì tùy thích của người chơi hoa, trên cây cần lấy giống chọn những tược có độ lớn tương đương với “gốc ghép”, cắt lấy đoạn ngọn dài 5 – 6 cm (phần này gọi là “cành ghép”), cắt bỏ những lá ở phía dưới của “cành ghép”, sau đó dùng lưỡi dao lam cắt vạt hai bên của gốc “cành ghép” tạo thành hình nêm (chỗ vạt nêm này dài khoảng 1,5 – 2 cm). Trên “gốc ghép” cắt bỏ 1 – 2 tầng lá, sau đó dùng lưỡi dao lam chẻ đôi chỗ vừa cắt (chẻ sâu xuống khoảng 1,5 – 2cm ), khéo léo và nhanh chóng đưa chỗ vạt nêm trên “cành ghép” vào chỗ vừa chẻ trên “gốc ghép” sao cho vừa khớp, rồi dùng dây nilon mềm quấn vừa đủ chặt chỗ ghép. Cuối cùng dùng bao nilon (loại trong) chùm kín hết chỗ ghép để cành ghép không bị khô và bảo vệ chỗ ghép không cho nước xâm nhập làm hư thối chỗ ghép. Ghép xong đưa cây ghép vào chỗ mát hoặc che nắng cho chỗ ghép. Khoảng 15 ngày sau mở bao nilon, nếu thấy cành ghép còn tươi là thành công.
Muốn cây ghép có nhiều tầng lá, tầng hoa đẹp thì nên ghép thành từng tầng, mỗi tầng ghép một màu hoa. Sau khi ghép một thời gian tược mới sẽ bật ra từ các nách lá trên “cành ghép” rồi từ những tược mới này sẽ ra hoa, bấm bỏ những chùm hoa này ngay từ khi chúng còn nhỏ để tược mới này cho ra tiếp những tược mới khác, cứ tiếp tục như vậy sau một thời gian mỗi tầng ghép này sẽ trở thành một hình đĩa, trên mang đầy hoa rất đẹp.