Tôi nghe nói trồng xen cây nguyệt quế trong vườn có thể hạn chế được rầy chổng cánh hại cam quýt, có đúng không? Xin cho biết rõ thêm về loại cây này và cách làm?

Thông tin mà bạn nghe chưa đúng hoàn toàn. Không phải là trồng xen nguyệt quế có thể hạn chế được rầy chổng cánh gây hại cam quýt mà là một biện pháp thu hút rầy trưởng thành đến sinh sống tập trung rồi phun thuốc diệt trừ, không cho chúng lây lan gây hại các cây ăn quả có múi khác trong vườn. Đây là kinh nghiệm hay của một số nhà vườn chuyên trồng cây ăn quả có múi ở Nam bộ hiện được phổ biến rộng rãi cho nhiều nơi áp dụng có hiệu quả.

Cây nguyệt quế có tên khoa học là Muraya paniculata L., thuộc họ cam Rutaceae, ở các tỉnh phía Nam bà con thường gọi là cây nguyệt quới. Nguyệt quế thuộc loại cây thân gỗ nhỏ, cao từ 2-8m, vỏ có màu trắng ngà, lá kép lông chim lẻ, có từ 5-9 lá kép lông chim mọc so le, hình bầu dục hay ngọn giáo, nhọn ở gốc, mặt lá bóng láng, dai, có các gân lá nổi rõ. Hoa màu trắng vàng, hương thơm ngát, có 5 cánh mọc ở nách lá hoặc đầu ngọn cành, tương đối giống hoa chanh.

Quả nhỏ, hình trái nhót, khi chín có màu đỏ đậm; mỗi quả thường có 1-2 hạt hơi hóa gỗ. Nguyệt quế thường mọc hoang ở các bìa rừng hoặc được trồng làm hàng rào, làm cây cảnh nhờ có dáng đẹp và hương thơm. Trong đông y người ta sử dụng hầu hết các bộ phận của cây như vỏ, lá, rễ, hoa và quả tươi hay phơi khô để chữa được nhiều bệnh phong thấp, đau nhức răng, bổ phổi, ho có đờm, đắp vết thương, trị ỉa chảy v.v, rất công hiệu.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nông nghiệp Ấn Độ, trong lá, hoa và vỏ của nguyệt quế, nhất là ở các lộc non có nhiều tinh dầu; đặc biệt có chứa một lượng glycosid gọi là murrayin rất hấp dẫn các con trưởng thành rầy chổng cánh Diaphorina citri nên chúng thường tập trung chích hút nhựa cây nguyệt quế với mật số lớn, nhất là vào các thời kỳ cây đang ra đọt non vì thế người ta gọi nguyệt quế là cây ký chủ của rầy chổng cánh.

Loài rầy này thường gây hại trên nhiều cây thuộc họ cam quýt bằng cách chích hút nhựa cây làm cho cây còi cọc, không sinh trưởng, phát triển được như cam, chanh, quýt, bưởi… ngoài ra còn có cả một số cây cảnh như cần thăng, kim quất, nguyệt quế. Ngoài gây hại trực tiếp cho cây, Diaphorina citri còn là môi giới truyền vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây bệnh greening trên cam quýt từ cây bệnh sang các cây khỏe rất nhanh và rất nguy hiểm. Lợi dụng đặc điểm này người ta thường trồng xen một số cây nguyệt quế trong vườn để thu hút rầy chổng cánh rồi phun thuốc trừ sâu để diệt trừ một cách dễ dàng.

Cách làm: – Cũng giống như các cây khác trong họ cam quýt, nguyệt quế có thể trồng bằng 2 phương pháp; hữu tính (gieo hạt) và vô tính (giâm cành, chiết cành, giâm hoặc chiết rễ). Có thể trồng trước hoặc trồng đồng thời cùng với các cây họ cam quýt trong vườn bằng cách trồng xen một vài cây giữa các hàng để hút thu rầy trưởng thành như một loại bẫy cây trồng.

– Kiểm tra cây nguyệt quế thường xuyên, nhất là các đợt cây ra lộc non, lá non (mùa xuân, mùa hè, mùa thu và đầu đông) để phát hiện sớm và nếu thấy có mật số rầy nhiều thì tiến hành phun thuốc để diệt trừ, tránh lây lan.

– Sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu sau đây để phun trừ: Applaud 10WP, Applaud mipc, Trebon 10EC, Bassa 50EC, Bascide 50EC; DC-Tron Plus, Butyl 10WP, Fasstac 5EC…. pha nồng độ 0,2-0,3% (pha 20-30 ml (gam)/bình 10 lít phun kỹ trên tán, trên những bộ phận có nhiều rầy đeo bám.

– Thường xuyên cắt bỏ các cành già phía ngoài tán cây nguyệt quế, bón thêm phân, tưới nước để cây nhanh chóng ra tiếp các đợt chồi non, lá non làm bẫy nhử rầy đến để tiêu diệt sẽ cho hiệu quả phòng trừ bệnh greening cao cho cam quýt.