Rầy chổng cánh thường gây hại trên những cây thuộc nhóm cam quýt, trong đó có cả một số cây kiểng cùng nhóm như cần thăng, kim quýt, đặc biệt là cây nguyệt quới.
Con trưởng thành của rầy dài khoảng 2,5-3mm, thân và cánh có màu nâu xám, xen với những vệt trắng vàng, cánh sau ngắn hơn cánh trước. Khi đậu, cả cơ thể và cánh chổng ngược lên trời làm thành một góc khoảng 40-45 độ so với bề mặt lá. Con cái thường đẻ trứng rải rác hoặc thành từng chùm trên đọt non hoặc cuống lá non, gân lá.
Trứng rất nhỏ, hình bầu dục có đầu nhọn (giống như trái lê), dài 0,2-0,3mm, dính thẳng vào mặt lá, màu vàng tươi.
Ấu trùng có 5 tuổi, hình bầu dục, dẹp, mới nở có màu vàng, ít di chuyển. Từ tuổi 3 trở đi màu sắc thay đổi từ vàng xanh đến vàng xám, mầm cánh phát triển che hết một phần cơ thể. Chúng sống tập trung trên đọt, lá non và tiết ra những sợi sáp màu trắng che phủ.
Cả rầy trưởng thành và ấu trùng đều tập trung chích hút nhựa trên các đọt non, lá non của cây nguyệt quới, làm cho những bộ phận bị hại trở nên vàng úa, đọt non, lá non có thể bị rụng hàng loạt, cây không ra bông hoặc cho bông nhỏ, xấu, rụng sớm. Nếu nặng, cây sẽ bị còi cọc và có thể bị chết.
Để hạn chế tác hại của rầy chổng cánh đối với cây nguyệt quới, có thể áp dụng một số biện pháp sau
Không nên trồng nguyệt quới trong hoặc gần các vườn trồng cam quýt.
Kiểm tra cây nguyệt quới thường xuyên, nhất là khi cây ra đọt, lá non, ra bông để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ rầy kịp thời. Nếu phát hiện có nhiều rầy có thể dùng một trong các loại thuốc như: Applaud 10WP, Applaud mipc, Trebon10EC, Bascide 50EC, DC-Tron Plus 98.8EC, Butyl 10WP… để phun xịt.
Nếu nguyệt quới đã bị rầy gây hại nặng, sau khi phun xịt thuốc nên bón bổ sung thêm phân (hoặc phun phân bón lá) để cây nhanh phục hồi.