Theo tiếng đồn của người dân, chúng tôi tìm về thôn 2, xã Hải An, huyện Tĩnh Gia để được tận mắt chiêm ngưỡng cây lục bình “độc” của gia đình ông Nguyễn Hữu Hội.
Ông Hội cho biết, năm 1992, ông bắt đầu trồng từ khi cây còn non, nuôi cho cây phát triển tự nhiên, vươn cành tùy thích, nhà lại làm nông nghiệp, sẵn có rơm ông đem quấn rơm xung quanh thân cây nơi cần ra rễ cho cây phát triển rễ non, cứ thế cho tới khi rễ cây dài tới 3m ông bắt đầu cho cây phát triển theo ý tưởng của mình. Để làm quy trình này, ông đã phải chăm chút và đợi chờ trong vòng hơn mười năm trời.
Lúc đầu nhìn cây có tán to và rễ xùm xòa, ông có ý tưởng định uốn cây thành hình một cây ô, con voi, con ngựa…, nhưng vẫn thấy không hợp, ông lại tham khảo đủ các kiểu dáng cây kiểng, đọc sách tìm hiểu và cuối cùng ông chọn uốn cây thành hình chiếc lục bình.
Thường thì khi uốn cây cảnh người ta hay dùng sắt bọc vải cho dễ tạo dáng, còn ở tác phẩm của ông rất cầu kỳ, đòi hỏi phải khéo tay, công phu nhưng ông chủ yếu dùng bằng tre.
Lúc bắt đầu uốn rất khó, phải khéo léo làm sao không cho thân, rễ cây mình chọn uốn bị gẫy, phải dùng dây kéo ngược rễ lên thành miệng, sau rồi ép xuống thành thân và phần đế chiếc lục bình. Riêng phần đế ông lại cho đá xung quanh thân cây để khi rễ ăn xuống, gặp đá nó sẽ phình ra ngoài theo hình đế của chiếc lục bình.
Từ khi bắt đầu thực hiện ý tượng của mình, ông cũng bị những người hàng xóm thích chơi cây cảnh chê bai, nhưng khi đã thành khuôn thì ai ai cũng ngưỡng mộ công phu và lòng kiên trì của ông Hội. Những chiếc rễ sy này được ông khéo léo đan xen vào nhau thành hình con rô rất đều và đẹp.
Khi được hỏi về ý tưởng thì ông Hội chia sẻ: “Tôi cũng là người thích chơi cây cảnh, đọc nhiều sách để tham khảo các thế cây và cách chăm bón, nhưng tôi vẫn thích sự “độc” trong nghệ thuật nên mới nghĩ ra và uốn như vậy…”.
Ông còn cho biết thêm rễ cây ra rất nhiều trên miệng chiếc lục bình và ông có ý tưởng uốn những con vật trong bộ tứ linh lên tác phẩm của mình. Đã không ít những người khách nước ngoài đi du lịch ngang qua dừng xe tò mò ngắm nghía, ngợi khen và xin chụp ảnh bên tác phẩm nghệ thuật của ông.
Bác Nguyễn Văn Bản, một người thích chơi cây cảnh gần nhà ông Hội cho biết: “ Đã quá nửa đời người, từng đi nhiều và xem nhiều cây cảnh nhưng tôi chưa từng thấy một cây cảnh giống cây của bác Hội, ngay cả nuôi cây, chờ đợi cho đến khi cây đủ uốn cho tác phẩm của mình những hơn 10 năm cũng chưa thấy…”.
“Tiếng lành đồn xa’’, đã không ít những người săn cây cảnh đến hỏi mua, lúc đầu trả với giá 100, 200 triệu rồi lên 300, 380 triệu đồng nhưng ông Hội không bán mà để chơi như một tác phẩm để đời cho con cháu sau này.